Tượng thờ đồng thời Lê – Nguyễn (TK 17 – 20) lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ngày 06/04/2017 5,759 lượt xem

Có lẽ một loại hình không thể thiếu trong bất cứ một không gian thờ tự hay các di tích kiến trúc tín ngưỡng của người dân Việt, đó là các loại tượng thờ. Đồng là loại chất liệu dễ tạo tác, nên mỗi hiện vật chất liệu đồng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, chúng phản ánh một nội dung nhất định, có khả năng tồn tại độc lập trong tổng thể không gian thờ tụ của các di tích kiến trúc đó. Tượng với nhiều loại kích thước to nhỏ, được thể hiện với nhiều đề tài hay chủ đề ý niệm khác nhau. Tượng thờ bao gồm các loại tượng Phật, tượng Quan, tượng Thần, tượng Phỗng …

Tượng Quan âm chuẩn đề (TK 19 – 20)

Tượng Quan âm Chuẩn đề (TK19 – 20 thời Nguyễn): tượng thể hiện ngồi khoanh chân trên bệ trang trí cánh sen đầu vuông. Quan âm để tóc búi cao, đội mũ miện, khuôn mặt bầu bĩnh, mắt nhỏ khép hờ, giữa trán có tuệ nhãn, tai to chảy dài. Thân mặc áo choàng tạo dải mềm mại trước ngực. Gồm 14 tay, hai tay đan chéo đặt trong lòng, hai tay chắp trước ngực kết ấn, còn  lại 10 tay giơ cao từ ngang đầu thấp dần xuống đang tư thế kết ấn. Toàn thân tượng khảm tam khí chữ thọ, hồi văn mây, hoa lá. Tượng quan âm thường đặt góc trong bên trái của thượng điện, các tượng này thường nhỏ và đối xứng với tượng quan âm tọa sơn bên phải. Quan âm gắn với việc ủng hộ nền kinh tế giao thương buôn bán trên sông trên biển.

Tương phật tam thế (TK 20)

Tượng Phật tam thế (TK 19 – 20 thời Nguyễn): thể hiện tư thế ngồi khoanh chân trên bệ sen. Đầu để tóc xoắn ốc trên đỉnh có khúc hạo. Mặt tròn, tai to chảy dài, giữa trán có tuệ nhãn. Tay phải giơ lên tạo thế bắt quyết, tay trái để ngửa. Mình mặc áo choàng tạo nếp mềm mại. Mỗi một vị Phật như được  hóa thân nhận dạng của phật pháp vô biên vĩnh cửu, thích ứng với chức năng để dẫn dắt chúng sinh vượt qua bến đời bến mê về miền giác ngộ.

Tượng phật Quan âm (TK 19 – 20)

Tượng Quan âm (TK 17 – 18 thời Lê Trung Hưng):  thể hiện phật bà tư thế ngồi khoanh chân, hai tay đan chéo đặt trong lòng. Mình mặc áo trùng dài tạo nếp mềm mại. Đầu đội khăn choàng rủ xuống ngang vai, trên đỉnh có tượng A di dà. Khuôn mặt hiền từ, mặt hơi cúi. Trong lịch sử Phật giáo, Bồ tát Quan thế âm được xem là vị bồ tát có thần lực nhất. Quan thế âm Bồ tát có nghĩa là luôn nhìn thấy, luôn nghe thấy mọi nỗi thống khổ của chúng sinh và sẵn sàng cứu giúp.

Tượng phật A di đà (TK 17 – 18)

Tượng Phật A di đà (TK 17-18 thời Lê Trung Hưng): tượng  thể hiện ngồi khoanh chân trên bệ sen. Đầu để tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười như cảm thông cứu độ. Mình mặc áo cà sa. Trong lịch sử Phật giáo thì Phật A di Đà được tôn thờ sớm nhất. Phật A di đà đã lập ra 48 đại nguyện nhằm giúp chúng sinh giải thoát, tái sinh vào cõi cực lạc của mình và cũng thành Phật.

Tượng Quan âm thuyết pháp  (TK 18 – 19)

Tượng Quan âm thuyết pháp (TK 18 – 19 thời Lê Trung Hưng – Nguyễn): tượng tư thế đứng trên bệ sen, đầu đội mũ miện, khuôn mặt bầu, hai tai to chảy dài. Mình mặc áo chùng dài tạo nếp mền mại, hai tay giơ lên phía trước đang bắt quyết.

Tượng Phật quan âm tọa sơn (TK 17 – 18)

Tượng Quan âm tọa sơn (TK 17-18 thời Lê Trung Hưng): tượng thể hiện quan âm ngồi trên núi. Khuôn mặt bầu, chùm khăn xõa ngang vai, mình mặc áo trùng dài, tay phải giơ lên ngang ngực, tay trái đặt lên gối trái. Chân phải khoanh trong lòng, chân trái co lên, để trần.

Tượng phật Quan âm tống tử (TK 17 – 18)

Tượng Quan âm tống tử (TK 17-18 thời Lê Trung Hưng): thể hiện quan âm ngồi trên bệ giả sơn, đầu chùm mũ, mình mặc áo chùm dài mềm mại, chân để trần, hai tay bế đỡ một em bé. Đây chính là Quan Âm Thị Kính Tống Tử, tay ẵm đứa bé trong tích truyện cổ Quan  Âm Thị Kính rất phổ biến tại Việt Nam.

Tượng Văn thù Bồ tát (TK 17 – 18)

Tượng Văn thù Bồ tát (TK 17 – 18 thời Lê Trung Hưng): thể hiện phật ngồi bắt chân trên lưng một con sư tử. Mình mặc áo trùng dài, đầu đội vương miện. Tay phải cầm dải mây, tay trái đặt trong lòng. Sư tử đầu ngoảng về phía trái, nét mặt dữ tợn. Văn thù Bồ tát ngồi trên lưng sư tử thể hiện dựa trên nền tảng của trí tuệ tuyệt đối của đạo pháp và dùng pháp lực vô lương vô biên để giáo hóa chúng sinh. Vì thế ngài là hiện thân cho “chân trí tuyệt đối” của đạo phật.

Tượng Thích ca sơ sinh trong tòa cửu long (TK 17 – 18)

Tượng thích ca sơ sinh đứng trong tòa Cửu Long (TK 17-18 thời Lê Trung Hưng): thể hiện một bé trai bụ bẫm, chân để trần đứng trên bông sen. Thân trên để trần, thân dưới mặc váy ngắn, tay phải chỉ thiên, tay trái chỉ xuống đất. Xung quanh là chín con rồng vờn trong mây.  Đây chính là một hình tượng của Đức Phật, ý niệm rằng: “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có nghĩa: trên trời dưới đất chỉ có ta là cao quý hơn cả.

Tượng kim cương hay thần Hộ pháp  (TK 18-19)

Tượng kim cương hay thần Hộ pháp  (TK 18-19 thời Lê Trung Hưng – Nguyễn): tượng tư thế đứng trên bệ, khuôn mặt nghiêm nghị, đầu đội mũ có chóp nhọn có dải chùm xuống vai, hai tay úp vào nhau, đưa lên trước ngực đỡ lấy thanh kiếm. Mặc áo giáp, hai vai và dải trước trang trí vẩy cá, chân đi ủng cao. Hộ Pháp là người bảo vệ chính pháp. Đạo Phật đã dùng tượng Kim cương như một biểu tượng của hộ Pháp, bởi tâm hồn của vị thần trong sáng, với ý thức cương quyết bảo vệ trước những nguy hiểm hộ pháp tới cùng. Tượng vừa mang tư cách bảo hộ nhưng cũng được người Việt hội tụ vào đó một ý nghĩa phản ánh về ước vọng nông nghiệp thường trực của người dân Việt đương thời.

Tượng Quan võ (TK18 -19)

Tượng Quan võ (TK18 -19 thời Lê Trung Hưng – Nguyễn): được thể hiện với dáng vẻ vững chắc, đứng trên bệ. Đầu đội mũ miện trang trí mây hình khánh, rồng. Khuôn mặt nghiêm nghị mình mặc áo giáp trụ, chân đi ủng. Hai tay giơ lên phía trước.

Tượng Phỗng quỳ dâng đĩa đèn (TK 17-18)

Tượng Phỗng quỳ dâng đĩa đèn (TK 17-18 thời Lê Trung Hưng): phỗng tư thế quỳ, thân trên để trần, bụng to, thân dưới mặc váy ngắn. Đầu ngẩng cao, để tóc hai chỏm, mắt mở, mũi to, miệng rộng, hai tay giơ lên trước ngực dâng đĩa đèn. Tượng  phỗng gắn với hình tượng của tù binh Chăm từ thời Lý (TK 11), sau được đưa vào đền và lăng mộ trong đó gửi gắm tư duy ước vọng của người nghệ sĩ dân gian Việt đầy chất sáng tạo nghệ thuật.

Tượng hầu nam (TK 18 – 19)

Tượng hầu nam (TK 18 – 19 thời Lê Trung Hưng – Nguyễn): tượng đứng trên bệ, chân đi ủng, đầu đội mũ có hai dải buông ngang vai. Mình mặc áo trùng dài trang trí rồng, sóng nước. Hai tay cầm vật dâng lên phía trước.

Tượng hầu nữ (TK18 – 19)

Thời Lê Trung Hưng – Nguyễn): tượng tư thế chân phải quỳ trên bệ, chân trái đứng chống. Thân trên để trần, thân dưới mặc váy ngắn. Đầu ngẩng cao, nét mặt tươi cười, tai to, tóc búi giữa chỏm để hai dải buông chấm vai. Hai tay dâng một bình đặt lên đùi trái.

Tượng chân dung (TK 18 -19)

Tượng chân dung (TK 18 -19 thời Lê Trung Hưng – Nguyễn):  tượng tư thế ngồi trên bệ, đầu đội mũ trang trí rồng, mây, khuôn mặt nghiêm nghị, mắt mở to, râu dài. Mình mặc áo trùng dài chạm rồng, phượng, chân đi ủng, tay phải úp đặt lên chân phải. Tay trái đặt lên đùi trái.

Tượng Quan văn (TK 19 – 20)

Tượng Quan văn đứng trên thềm rồng (TK 19-20 thời Nguyễn): tượng tư thế đang bước. Đầu đội mũ cánh chuồn, khuôn mặt nghiêm nghị, râu dài chạm xuống ngực. Mình mặc áo chùng dài trang trí rồng, sóng nước, vân mây, chữ thọ. Hai tay giơ ra phía trước đan vào nhau, tay áo rộng dài chùm cổ và bàn tay, hai chân đi ủng. Bậc tam cấp, hai bên tay vịn là hai tượng rồng uốn lượn, đầu ngẩng cao.

Tượng thần Độc cước (TK 18 – 19)

Tượng Thần Độc Cước (TK 18-19, thời Lê Trung Hưng – Nguyễn): thần đứng trên bệ tạo sóng nước. Thể hiện nửa người, nửa khuôn mặt, mắt mở mũi thẳng. Thần chỉ có tay trái, giơ lên trước ngựa. Tóc để dài ngang vai, xõa sang phía vai phải. Trang phục trang trí hoa văn sóng nước, vẩy cá. Độc Cước là một vị thần nơi thờ chính tại đền Độc Cước ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Theo đạo sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 14 (1738), thần Độc Cước tên là Chu Văn Khoan, có tài đức, giúp các đời vua dẹp yên  giặc dã, giữ gìn bờ cõi, thần có hiệu Đại Pháp sư, có 7 phép màu để trị ma quỷ gian ác… và được vua phong bốn chữ : Độc Cước sơn triều.

Sưu tập tượng thờ chất liệu đồng thời Lê – Nguyễn (TK 15 -TK20) lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, là một sưu tập quý giá, phản ánh tài hoa của những người thợ đúc đồng chế độ phong kiến Việt Nam. Việc bảo tồn và lưu giữ sưu tập đồ đồng Lê – Nguyễn  tại Bảo tàng Lich sử quốc gia cũng chính là bảo tồn và lưu giữ một phần các giá trị văn hóa vật chất và giá trị tinh thần của dân tộc.  Đây là việc làm đáng tự hào và trân trọng.

Đinh Phương Châm (Phòng QLHV)