Chế phục mũ áo hoàng đế, bách quan Lý, Trần

Ngày 02/02/2017 2,684 lượt xem

Sách An Nam chí lược thế kỷ XIII viết về mũ áo hoàng đế, bách quan Lý, Trần như sau:

  • Hoàng đế đội mũ Bình Thiên, mũ Quyển Vân ,mũ Phù Dung, mặc Cổn y (tay thụng, tràng áo cong), cổ áo đính là trắng hay bông trắng kết lại, khăn kết tua vàng và ngọc châu phủ tấm vuông, tay cầm ngọc khuê, đeo đai lưng kim long.
  • Mũ tước vương (chia 3 bậc là vương, tự vương, thân vương): Mũ có đính con ong, con bướm vàng, lớn nhỏ thưa dày tùy theo cấp bậc; áo thân vương: mặc tiêu kim tử phục (áo có màu tía thêu kim tuyến).
  • Tước hầu chia hai bậc: minh tự một bậc gọi là mũ Củng Thần, ở trên có đính ong và bướm vàng. Tước hầu, minh tự mặc áo phượng ngư tứ phục (áo thêu chim phượng cá).
  • Từ đại liêu ban trở xuống mặc áo long cổn, đội Mũ Miện đều có cấp bậc (ban văn thêu con cá vàng). Viên ngoại lang, lang tướng đội mũ Miện kim ngân gián đạo (vàng bạc xen nhau). Lệnh thư xá đến văn hiệu thư lang (thượng chế, thị cấm) đều đội mũ bằng bạc). Mũ Miện đại lễ mới dùng đến, thường lễ chỉ đội khăn và mặc áo tía, các chức cung hầu, thư xá không được dùng. Đai lưng bằng vàng da tê hay bằng vàng tùy theo phẩm trật, hốt đều bằng ngà voi. Bọn chức quan, tá chức đều đội khăn, mặc áo tía thắt đai xéo, không cầm hốt, chắp tay lạy quốc chủ (hoàng đế). Bình thường ở nhà đội khăn Tàu, thường phục chuộng màu trắng, người trong nước ai mặc đồ trắng cho là tiếm chế, duy phụ nữ thì không cấm về trang sức. Từ vương hầu đến thứ dân thường hay mặc xiêm màu huyền, cổ tròn, quấn bằng lụa trắng, thích đi giày da. Vương hầu lúc vào vào yết kiến vua không bịt khăn tỏ ý thân quý, thứ dân thì không được như vậy. Các nội quan hầu cận, thượng phẩm đội mũ Dương Thường, đính ong bướm vàng hoặc thưa, hoặc nhặt mặc áo phẩm phục.
  • Trung phẩm thì mặc áo sắc chế hơi giảm. Hạ phẩm thì đội mũ Dương Thường, mặc áo tía, tất cả đều chắp tay lạy.

Vua không cầm hốt. Khăn thường đội của quan thượng phẩm là nhung màu tía xen màu biếc có sáu tua kết sau khăn, đai thắt ngang để tỏ ý quan quý. Trung phẩm kết tua tía, hạ phẩm kết tua đen, khảm quanh bằng ngọc, vàng, đồi mồi cho ra vẻ lạ vậy.

* Chú giải

Phủ phất, đại phấn hoa trùng: những thẻ như côn trùng kết trên mũ.
Tổ thọ: lụa thắt lưng.
Thùy bộ: những viên ngọc đeo lòng thòng.
Phương tâm: tấm phụ vuông đính trước ngực áo.
Khúc lĩnh: áo cổ tràng.
Miễn lưu: dải tua đính ở mũ đều hơi giống Trung Quốc.
Áo Long Cổn: áo Long Cổn thường dùng để vua mặc những khi tế lễ trời đất, các nghi lễ lớn và đi với Miện, đó là hàng quý nhất trong Long Bào. Trang trí của áo Cổn nói chung thêu dệt chữ thọ, con dơi, mây “tượng trưng cho vạn thọ hồng phúc”. Trên Long Cổn mặt trước, sau 2 ống tay đều có hình 12 con rồng bố cục tròn. Hai bên rồng thêu hoa văn “bát cát cường” họa tiết gồm 8 đề án: luân, la, tản cái, hoa, quán, ngư và bàn trường, ngoài ra còn họa tiết hoa văn 12 chương chỉ dùng riêng cho áo vua, 12 đồ họa là: nhật tinh, nguyệt tinh, thần, sơn, long, hoa trùng, tông di, hỏa, tảo, phấn mễ, phất, phủ.

  • Đến triều Trần năm 1300 bỏ áo phủ ngoài, vua Việt Nam từ thế kỷ XIV đều mặc Long Bào, tay thụng, hoa văn hình rồng lớn, 5 vuốt ở vạt áo trước và sau. Tay áo, vai áo đều có rồng, gấu, Long Bào có sóng thủy ba, núi san hô ở giữa 3 tầng sóng (đối xứng); áo được dệt bằng chỉ kim tuyến nổi được gọi là Long Bào (gấm chân chim).
  • Áo Long Bào triều Nguyễn không dệt mà thêu. Các triều vua Nguyễn sau này áo Long Bào xuất hiện thêm cột sóng ở phía dưới sóng thủy ba, hình rồng dữ dội khác thời Lê Trịnh và Lý Trần.

Từ thời vua Lê Thánh Tông năm 1471, áo bách quan có bố tử: áo quan văn hình chim tiên hạc, công nhạn; quan võ hình thú hổ, báo, voi v.v… Từ thời vua Lê Hiến Tông năm 1499, thường triều từ tháng 10 trở đi mặc áo tơ gai, từ tháng 2 mới mặc áo sa, nếu ngày mưa gió thì mặc áo bông vải để hợp với thời tiết, ngày quốc kỵ thì không được mặc áo vải sa, là hoặc vóc sặc sỡ (nhà Minh có hình bố tử 1368). Triều đình quy định:

  • 1 thước ta = 0.4m
  • Bố tử dệt màu tối không được dùng ngũ sắc.
  • Các quan văn võ từ tam phẩm trở lên, công, hầu, bá, phò mã đội mũ Phốc đầu hai cánh hơi dài bằng sa đen và to hơn các quan văn võ khác, cấp dưới không được dùng kiểu mũ Dương Thường.

Triều vua Hiến Tông có thay đổi về một số trang trí trên trang phục như sau:

  • Cánh mũ của hoàng thân dài hơn, to hơn được trang sức bằng vàng.
  • Cánh mũ quan nhất phẩm, nhị phẩm được trang sức bằng bạc.
  • Cánh mũ của quan tứ, ngũ phẩm không trang sức, ở quan văn và quan võ thì dùng nón sơn trắng.
  • Quan võ lục phẩm đội nón sơn đỏ.

Các vệ binh mặc trang phục áo đa la, nẹp viền theo mầu trắng đỏ vàng xanh (mũ áo đa la đều được làm bằng dạ hoặc bằng nỉ).

* Trang phục tiến sĩ – tạo sĩ và sứ thần

Triều Lý Trần, theo Lê Quý Đôn: “Định ân điển ban trang phục cho tạo sĩ chứng tỏ rất chú trọng võ bị”. Áo dùng sắc xanh, đai dùng tơ dệt dát sừng trâu, mũ dùng sắc xanh hoặc nón sơn đỏ, thể lệ như người đỗ đồng tiến sĩ[1], triều Lý ban áo gấm cho bầy tội ngũ phẩm trở lên.

* Tượng cổ Chu Văn An (1292-1370)

Chu Văn An là danh nhân văn hóa kiệt xuất và là người thầy mẫu mực của muôn đời ở nước ta. Ông quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt (Thanh Trì, Hà Nội), sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn (1292). Năm 12 tuổi Chu Văn An đỗ Thái Học sinh, năm 16 tuổi đỗ Đình Thí. Ngoài 20 tuổi, vua Trần Minh Tông mời ông làm quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám – người có ảnh hưởng quan trọng đến nền giáo dục đương thời. Chu Văn An dạy Thái tử Vương (vua Hiến Tông sau này). Thời dạy học, ông soạn bộ “Tứ thư thuyết ước”, “Tiều ẩn thi tập”, “Tiều ẩn quốc ngữ thi tập” cho các sĩ tử. Chu Văn An là người có tiết tháo, đã từng dâng “Thất trảm sớ” (sớ chém bẩy quan lớn nịnh thần trong triều). Năm 1357, Thượng Hoàng Minh Tông mất, triều Dụ Tông suy đồi, bạc nhược, ông xin về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương.

Khi Chu Văn An mất, vua sai quan đến dự tế và tặng ông là Văn Trịnh Công Thụy tức Khang Tiết và đưa vào thờ tại Văn Miếu như một thánh hiền. Đền thờ ông được xây dựng tại núi Phượng Hoàng, quê ông và nhiều nơi khác. Bảy thế kỷ đã trôi qua ,đền thờ ông ở núi Phượng Hoàng đã bị đổ nát. Vào cuối những năm 90, đền thờ ông được xây dựng lại. Khi tiến hành đào móng trên nền thờ cũ đã phát hiện ra tượng thờ Chu Văn An. Tượng cao khoảng 0.8 m đã bị vùi lấp bào mòn bởi mưa nắng, dù đã trải qua nhiều thế kỷ nhưng nhìn tượng chúng ta vẫn nhận rõ được mũ áo và trang phục thời Trần.

Tượng Chu Văn An đội mũ chữ Đinh, mắt sáng, mũi cao, da trắng hồng, mặc áo tay thụng, có áo phủ trước ngực, có các lớp dải tua và đệm xiêm hình tua mái chèo. Trang phục tượng Chu Văn An có những nét tương đồng với bức phù điêu đá Ngô Gia Thị Bi (1358-1369). Tượng Chu Văn An mới tìm được có giá trị văn hóa lịch sử và là tư liệu về trang phục quý giá ở giai đoạn vương triều Trần ở nước nước ta.

——————–
[1] KVTL 107/2