Giám trai Bồ-tát

Ngày 26/08/2017 6,030 lượt xem

Đường đời là một con đường, đi, đi hoài, đi mãi mà vẫn chưa tới đíchCũng trên con đường đó có khi ta thường xuyên đi lui, đi tới mà không nhớ hết những chi tiết xung quanh. Nhất là lúc chúng ta ngồi trên xe được người khác chở đi, thì có khi đi rất nhiều lần vẫn không nhớ đường. Nhưng nếu chúng ta tự tìm đường mà đi thì rất dễ nhớ. Tôi đã đi chiêm bái khá nhiều chùa, kể cả trong Nam ngoài Bắc. Tuy vậy tôi không biết Đức Giám trai Bồ-tát là ai và thân thế, sự tích của ngài ra sao. Tôi chắc một vài con nhang đệ tử cũng không khác gì tôi, đến chùa mà chưa biết Phật. Vì vậy ở đời dù lớn dù nhỏ cái gì cũng phải học; học bao nhiêu cũng thấy không đủ. Tôi mạo muội ghi chép lại câu chuyện này ngõ hầu làm vui lòng những vị nào cũng có hoàn cảnh như tôi.

Năm 2010, tôi có sưu tập  được một  tượng không  biết  là tượng  gì. Mới nhìn qua  thì tưởng  đây là tượng  Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma, nhưng sau khi phân tích kỹ mới biết không phải. Hỏi nhiều người nhưng cũng không ai biết đích xác. Cũng có một vài người trong Hội Cổ vật TP.HCM bảo là tượng Giám trai nhưng cũng không chắc 100%. Để hiểu về bức tượng ấy, chúng tôi đã tìm hiểu qua sách báo và chủ yếu là các thông tin trên mạng.

Sau đây là những tư liệu mà chúng tôi thu thập được.

ITích Giám trai:

Đức Giám trai được thờ cúng không  nhiều ở trong các chùa. Chúng tôi cũng có tới thăm nhiều chùa ở phía Bắc nhưng chưa gặp tượng này, cũng có thể là tượng thờ này chỉ thờ trong trai đường hoặc nhà bếp nên chúng tôi không được biết. Ở các chùa phía Nam thì cũng không phải  chùa  nào  cũng  có thờ  Đức Giám trai nên  cũng không mấy quen thuộc đối với những người chưa đi sâu vào nghiên cứu về Phật giáo. Lượng thông  tin về Giám trai khá khiêm tốn. Có nhiều ý kiến chưa hoàn toàn giống nhau và mọi tư liệu đều chỉ mang tính tham khảo.

1. Theo tra cứu trên mạng thì có trang cho rằng kinh sách có nói thuở trước có một vị Tăng chuyên lo công việc ở nhà trù để phục vụ cho toàn thể Tăng chúng trong chùa. Một hôm trong lúc nấu cơm thì hết củi. Không biết làm sao cho kịp buổi cúng ngọ, ngài đã phát nguyện đưa cả đôi tay vào làm củi. Ngọn lửa từ đôi tay đã cháy lên giúp nấu chín nồi cơm. Sự hy sinh dũng cảm của ngài đã được ghi nhận và ngài trở thành  vị Bồ-tát được thờ phụng trong các trai đường hoặc các nhà trù ở các chùa. Trong các bài kinh khẩn nguyện  có câu: Nam mô Giám trai Bồ-tát. Câu chuyện trên có nhiều ý nghĩa đặc biệt là về phẩm hạnh của một vị chân tu.

2. Theo trang web Nghệ thuật Phật giáo thì Giám trai sứ giả là vị thiên thần trông nom việc ăn uống cho chúng Tăng. Vì có công đức hộ pháp, giữ gìn chốn già-lam nên được tôn xưng Bồ-tát. Giám trai sứ giả thường được thờ ở trai đường hoặc nhà trù trong các chùa viện ở Trung Hoa và Việt Tôn hiệu của Giám trai được chư Tăng xưng niệm mỗi ngày trong lễ cúng Ngọ: Nam mô Giám trai sứ giả Bồ-tát. Hình tượng của Giám trai rất đa dạng.Theo Phật quang đại từ điển, tượng Giám trai có mặt xanh, tóc đỏ; hình dạng thiên thần kỳ dị và uy dũng. Tại chùa Thiếu Lâm (Trung Quốc), tượng Giám trai có mặt đen, tay cầm búa, mạnh mẽ, võ nghệ siêu phàm (Thích Đức Niệm, Pháp ngữ lục, Nguồn gốc võ Thiếu lâm). Nhưng Giám trai ở các chùa Việt thì có hình dáng bình dị, gần gũi với con người. Giám trai chùa Tây Phương (Hà Tây) có dáng dấp của vị quan văn nho nhã, đội mũ cánh chuồn, chân đi hài, ngồi trên bục (Chu Quang Trứ, Chùa Tây Phương). Còn Giám trai ở Hội Linh cổ tự (Cần Thơ) thì bình dị như nông dân, ngài ngồi trong tư thế nghỉ ngơi, một tay tì lên cán búa dựng trước ngực, ở trần, quần vận lưng, mặt xương, má lõm, đôi mắt sáng quắc (Phan Hữu Tường, Hội Linh cổ tự). Và đây cũng là hình tượng Giám trai sứ giả Bồ-tát phổ biến ở các chùa miền Nam.

Về sử liệu liên quan đến Giám trai sứ giả, hiện chúng tôi được biết có hai quan niệm. Thứ nhất, Giám trai là hiện thân của  La-hán Tân-đầu-lô Phả-la-đọa  (Pindola Bhàradvàja). Theo Thích-thị Yếu-lãm (quyển hạ) và Đạo An truyện thì việc thờ Thánh tăng Tân-đầu-lô trong trai đường bắt nguồn từ ngài Đạo An (312-385): “Đạo An pháp-sư mộng thấy một nhà sư người Hồ (Ấn) tóc bạc mày dài, nói rằng: Cứ hàng ngày dọn cơm cho ta ăn, về sau sẽ có Luật Thập tụng. Đạo An biết ngay rằng đó là La-hán Tân-đầu-lô bèn dựng bệ thờ trong thực đường, đặt thức ăn cúng dường. Về sau, các chùa lấy đó làm phép tắc”. Từ cơ sở này, truyện Hai con cọp tinh ở Hoành Sơn (đời Đường) thuật:“Trong nhà trai thờ tượng cốt một vịTăng, lông mày trắng rủ dài, hiệu Giám trai sứ giảTân-đầu-lô Phả-la- đọa-xà Tôn giả”(Minh Chiếu sưu tập, Truyện cổ Phật giáo, tập II). Quan niệm này ngoài Đạo An truyện, có thể ảnh hưởng từ danh hiệu đệ nhất ứng cúng và tư tưởng của bộ Pháp Trụ Ký cho rằng La-hán Tân-đầu-lô phụng hành ý chỉ Phật, ở lại trần gian ủng hộ, xiển dương Phật pháp. La-hán “mày trắng” đã thị hiện ứng cúng trong lễ cúng dường của vua A-dục, hóa độ Lương Võ Đế và xác chứng sự nghiệp phiên dịch kinh điển của Đạo An, v.v.Tuy vậy, căn cứ vào Tăng nhất A-hàm I và Tăng chi bộ I thì Tôn giả Tân-đầu-lô chỉ là vị Thánh đệ tử bậc nhất về hàng phục ngoại đạo, rống tiếng rống sư tử.

Một quan niệm khác về Giám trai sứ giả, theo Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, quyển VI, mục IV – Nhĩ căn viên thông (đời Minh), dẫn tích rằng ngài là thị hiện của thần Khẩn-na-la vương, một vị thần Già-lam thủ hộ chùa Thiếu Lâm (thời Tam Quốc), có công đánh đuổi giặc cướp. Vị lão tăng ở Thiếu Lâm tự suốt ngày chỉ bổ củi, nấu cơm nhưng khi đối diện với giặc cướp thì công thủ phi phàm, bảo vệ bình yên ngôi Tam bảo rồi sau đó mai danh ẩn tích. Vì thế, chư Tăng chùa Thiếu Lâm tạc tượng ngài sắc mặt đen, tay cầm búa để thờ trong trai đường và nhà trù, xưng Giám trai sứ giả đồng thời còn tôn xưng Khẩn-na-la Vương Bồ-tát. Thực ra, Khẩn-na-la Vương là Ca thần hay Nghi thần, thần pháp nhạc của Đế-thích thuộc Bát bộ chúng, phát nguyện ủng hộ Phật pháp, giỏi về tấu pháp nhạc như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục ba-la-mật… Trong Nghi thức chúc tán Giám trai (Nghi lễ – Thích Hoàn Thông), có xưng niệm danh hiệu Nam-mô Giám trai sứ giả Đại Thánh Khẩn-na-la Vương chi thần. Rõ ràng quan niệm về Giám trai sứ giả Đại thánh Khẩn-na-la Vương chi thần trong Nghi thức chúc tán Giám trai có nguồn  gốc từ vị Giám trai sứ giả chùa Thiếu Lâm, hiện thân của Khẩn-na-la Vương Bồ-tát, một trong ba mươi hai thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Trở lại vấn đề tượng Giám trai sứ giả Bồ-tát với hình dáng ngồi ở trần, tay cầm búa, dáng vẻ thong  dong tự tại hiện được tôn thờ khá phổ biến ở Nam Bộ cùng với tôn hiệu Giám trai sứ giả Đại Thánh Khẩn-na-la Vương chi thần, cho thấy vị Giám trai “cầm búa, bổ củi, nấu cơm” ở các chùa miền Nam có xuất xứ từ “vị Giám trai sứ giả mặt đen, tay cầm búa” của chùa Thiếu Lâm, Trung Quốc. (từ Quảng Tánh – Huyền Ngu – Phật pháp Bách vấn).

3. Chúng tôi có đến thăm chùa Giác Viên và chùa Gò (Phụng Sơn tự) và hỏi các vị trụ trì của chùa về sự tích Đức Giám trai Bồ-tát thì đều được trả lời: đấy là một vị Tăng phục vụ trong trai đường và nhà trù (nhà bếp) của chùa. Trong quá trình phục vụ đã có nhiều công quả nên trở thành chánh quả và thành vị Bồ-tát. Ngài được thờ phụng ở trai đường trong chùa. Riêng vị trù trì chùa Vạn Thọ thì cho biết thêm, Đức Giám trai là một biểu tượng cho chúng sinh, nguyên trước khi thành chánh quả, ngài là một người mang đầy đủ thất tình lục dục nhất là thích ăn uống. Cơ duyên đưa Ngài đến cửa chùa và trong quá trình làm việc cho trai đường, ngài đã giác ngộ đóng góp  nhiều  công  quả  nên  đắc đạo và trở thành Bồ-tát.

Sự tích  này  như  một  việc khuyên dạy chúng sinh: chỉ cần có căn  tu  có lòng  hướng Phật thì dù là một chúng sinh bình  thường khi quay về hướng Phật một  lòng  chuyên tu thì vẫn có thể trở thành chánh quả.

II. Phần mô tả

Để có thể  khẳng định đây là tượng Giám trai, chúng tôi đã đến thăm chùa Giác Viên, Phụng Sơn tự và chùa Vạn Thọ. Ở chùa Vạn Thọ không có tượng và vị trí thờ Giám trai Bồ-tát ( Theo sư trụ trì tuy không có thờ Giám trai nhưng hàng ngày trước khi ăn uống khi niệm kinh đều có niệm Giám trai Bồ-tát.

Ở chùa Phụng  Sơn tự tuy có thờ Giám trai nhưng tượng thờ lại được làm bằng xi-măng và sơn nhũ vàng phủ lên nên chúng tôi chỉ đăng ảnh để tham khảo.

  1. Tượng Giám trai tại chùa Giác Viên

Trong ba tượng Giám trai bằng gốm Cây Mai mà chúng tôi được biết thì tượng ở chùa Giác Viên là đẹp nhất và giá trị nhất vì trên bệ tượng còn ghi rõ lạc khoản gồm thời gian và nơi chế tác.

Tượng Giám trai được chế tác có phong  cách giống với các tượng Thập bát La-hán. Một tay chắp trước ngực, một tay chống trên cán búa phong thái ung dung  tự tại và rất mạnh  mẽ mang  phong cách của con nhà võ. Các đường nét của quần áo, dải khăn đều rất tinh tế mềm mại và rất mỹ thuật. Đặc biệt đôi dép được chế tác quá xuất sắc làm cho bức tượng hài hòa, cân đối và rất có thần thái.

Phía trước bệ  tượng  nhìn từ ngoài vào bên phải có đắp nổi bảy chữ Hán: “Canh Thìn, trọng đông cát đán lập” (có nghĩa là được làm ngày lành tháng 11 năm Canh Thìn).

Phía bên trái đắp nổi bảy chữ Hán: Đề Ngạn Nam Hưng Xương Điếm Tố (có nghĩa là tiệm đắp tượng Nam Hưng Xương Đề Ngạn (Sài Gòn xưa).

Năm Canh Thìn ở đây theo  một số nhà nghiên  cứu thì đây là năm 1880. (Nhưng theo  tôi để có thể tính chính xác hơn thì còn phải tìm hiểu thêm về lạc khoản thứ hai ở bên trái về tên Đề Ngạn chỉ địa danh Sài Gòn Chợ Lớn trong khoảng thời gian nào tiệm đắp tượng Nam Hưng Xương hoạt động trong thời gian nào kết hợp với năm xây chùa Giác Viên để tính). Kích thước của tượng khoảng 80cm; màu men ở dải áo, quần, lưỡi búa và nhất là môi và móng tay móng chân có thể đã được dùng  sơn vẽ phủ lên (Vì tượng  để trên cao xung quanh  có nhiều ảnh và tượng thờ khác, ánh sáng lại không đầy đủ nên chúng  tôi thực  sự không  dám  chắc chắn về nhận xét của mình).

  1. Tượng Giám trai của nhà sưu tập Võ Minh Mẫn 

Trong dịp ghé thăm nhà mấy người bạn sưu tầm cổ vật ở Cần Thơ chúng  tôi có gặp  một tượng Giám trai. Tượng này cũng có chiều cao khoảng 70cm-80cm. Tượng này chế tác có phần đơn giản hơn, màu áo là màu xanh cô-ban phía trong có lót áo trắng. Tay phải cầm búa nhưng búa đã bị gãy, còn lại lưỡi búa (chủ nhân để dưới bệ tượng).

  1. Tượng chúng  tôi  sưu  tập được

Tượng này hiện thuộc sở hữu của một người trong Hội Cổ vật TP.HCM. Tượng   chúng   tôi   sưu   tập được có chiều cao 75cm, đầu có đội khăn gần  giống  như khăn đội trên  đầu  tượng  Quán Thế Âm Bồ-tát. Tượng  có  ba  lớp áo: trắng, xanh cô-ban  và áo khoác ngoài xanh lục đậu. Cả tượng số hai và số ba đều để chân trần, có tư thế ngồi gần giống. Tuy bị gãy hai bàn tay nhưng  theo  chủ cũ cho biết thì có tay trái để trên đùi và tay phải như đang  cầm một vật gì đó,  chúng  tôi cho  là cầm búa.

  1. Tượng Giám trai ở chùa Gò (Phụng Sơn tự)

Tượng Giám trai này được đắp  bằng  xi-măng sơn nhũ vàng, vì vậy chúng  tôi chỉ giới thiệu có tính chất tham khảo.

III. Nhận xét

Sau khi quan sát các bức tượng trên, chúng tôi sơ bộ có một nhận xét chung là các tượng này đều được chế tác rất tự nhiên, tư thế ngồi, trang phục… hết sức đời thường. Các bức tượng đều rất viên mãn, khuôn mặt hiền hòa, nhất là khuôn mặt tượng ở số 3 còn nở một nụ cười rất truyền cảm. Các bức tượng đều mang dáng dấp của con nhà võ khỏe mạnh, cường tráng. Qua các bức tượng chúng ta thấy các tác giả tuy dựng tượng có khác nhau, không tượng nào giống tượng nào (chứng tỏ đây không phải là loại tượng được làm hàng loạt), nhưng các tượng đều có chung một motip, chung một cách thể hiện. Thông qua bức tượng họ muốn biểu đạt một nhân vật đời thường  được ăn uống  đầy đủ (vì ở trong bếp) nên rất viên mãn, bình dị, hiền hòa và rất gần gũi với đời thường. Phải chăng  đây cũng là mục đích để cho chúng  sinh hiểu rằng: Những con người trần tục nhưng nếu có công tu dưỡng một lòng hướng Phật thì đều có thể trở thành chính quả. 

Văn Hoá Phật Giáo số 210