Kỹ thuật đắp tượng trong các công trình Khmer tại “Làng”

Ngày 05/11/2017 2,757 lượt xem

Theo các nghệ nhân Khmer, lối đắp tượng của họ là đắp trực tiếp và lối đắp này, người đắp (thợ cả) phải căn cứ vào đặc thù khí hậu của vùng, vận dụng sự thay đổi thời tiết, môi trường mà áp dụng kỹ thuật chọn và pha trộn chất liệu cho hợp lý. Yếu tố mùa và thời tiết ảnh hưởng quan trọng trong cách pha chế chất liệu, do đó, trong quá trình đắp rất cần kiểm tra liên tục để đảm bảo các bức tượng được đắp ra sẽ không bị rạn nứt và gìn giữ được lâu dài.

Các nghệ nhân đang đan vỉ sắt, buộc dây thép lại để dựng cốt tượng mẹ đất trong Am thờ. Ảnh chụp 6/2013

Trong chánh điện Khmer tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, mẫu các tượng được chọn để đắp là mẫu tượng mô phỏng theo mô hình tượng cổ của chùa Kh’leang ở thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Bức tượng ở vị trí cao nhất, lớn nhất là tượng Phật Sây-a (Phật Tương lai), tiếp đến là 3 bức tượng Phật nhỏ. Trong Sa la là các tượng Phật ngồi theo thế kiết già, trong Am thờ là tượng thần mẹ đất, tượng thần nước…

Các nghệ nhân đang tạo cốt tượng (đầu), tinh chỉnh thân tượng Phật Sây-a trong chánh điện Khmer. Ảnh chụp 11/2012

Quy trình đắp tượng theo trình tự như sau: Đầu tiên, nghệ nhân dựng cốt tượng. Khi đã xác định vị trí trên bản vẽ, thợ và nhóm sẽ đan vỉ sắt để đổ bê tông cốt (có thể buộc bằng tay hoặc sử dụng que hàn để kết nối thép lại với nhau), cho vững chắc. Khi khối bê tông đó cứng, các thợ sẽ xây bao bằng gạch tốt (tạo hình, mảng lớn). Phần thép và lưới được bao phủ hết khối đã xây gạch để khi đắp, trát có độ bám chắc chắn. Tiếp đó, sau khi đã tạo phần khung cốt xong, thợ pha trộn vữa, xi măng với tỉ lệ phù hợp theo quy ước tạo độ rắn chắc từ trong ra ngoài, để tạo cho bề mặt chất liệu không bị rạn nứt. Bức tượng sẽ được đắp mảng lớn trước và tạo hình tổng thể, căn cứ theo không gian sẽ đặt để tượng mà cân đối hình thể bức tượng.

Tinh chỉnh tượng Phật Sây-a. Ảnh chụp 11/2012

Việc tiếp theo là tinh đắp (tinh chỉnh) bức tượng. Người thợ chính sẽ tạo hình bằng việc đắp tượng với vữa xi măng đã được sàng lọc mịn, có tỉ lượng pha trộn phù hợp và được đảo kỹ để tạo độ sệt thích hợp khi đắp. Người thợ sẽ đắp từng miếng nhỏ (tùy vị trí) và theo từng lớp mỏng, cho đến khi hoàn thành một bức tượng.

Người thợ đang đắp vữa trực tiếp từng phần nhỏ cánh tay Phật (Phật nhỏ) trong chánh điện. Ảnh chụp 12/2012

Cuối cùng, là lớp phủ bề mặt của chất liệu, ngoài ra còn giả chất liệu để cho sản phẩm được hoàn thiện và có độ tinh xảo, đẹp. Cách thức phủ các lớp sơn của người Khmer như sau: trước khi sơn, vệ sinh thật sạch và kỹ, phủ lớp màu trắng đầu tiên lớp này sử dụng màu có gốc nước loại cao cấp có độ kết dính tốt, sơn màu trắng để tạo lớp sáng.

Người thợ đang phủ lớp sơn lên bức tượng Phật Sây-a trong chánh điện.

Ảnh chụp 1/2013

Nền lớp thứ hai là màu hồng nhạt họa cam đỏ tùy độ đậm nhạt (cần độ keo tốt để bám vào lớp thứ nhất). Lớp thứ ba là màu đã chọn như: nhũ vàng hoặc giả nhũ đồng. Lớp thứ tư, là lớp cuối cùng, lớp màu đỏ đi cắt nét, theo các họa tiết, phần nền trống và phẳng.

Người thợ đang sơn lớp thứ tư, là lớp cuối cùng, lớp màu đỏ đi cắt nét, theo các họa tiết. Ảnh chụp 7/2013

Các bức tượng trong chánh điện được hoàn thiện. Ảnh chụp tháng 10/2013

Nghệ nhân đang đắp tượng thần nước trong Am thờ. Ảnh chụp tháng 7/2013

Tượng thần mẹ đất và thần nước trong Am thờ đã hoàn thiện xong, được sơn lớp sơn nền trắng. Ảnh chụp tháng 7/2013

Tượng thần mẹ đất và thần nước trong Am thờ được hoàn thiện.

Ảnh chụp tháng 10/2013

Đắp tượng Phật trong Sa la. Ảnh chụp tháng 6/2013

Các bức tượng Phật trong Sa la. Ảnh chụp tháng 8/2013

Các bức tượng Phật trong Sa la được hoàn thiện. Ảnh chụp tháng 10/2013

H.Huyền