
Lễ cúng cô hồn trên đỉnh đèo Cả

Xuất phát từ Nha Trang vào lúc 3 giờ sáng. Trời cuối thu vào lúc chưa rạng sáng, thành phố trầm lắng trong an lành. Bầu trời xanh dịu dàng. Đến đèo Cả đúng 4 giờ 30. Chân trời nơi mé biển có màu phơn phớt đỏ. Bình minh vừa ló dạng.
Vẫn có truyền thuyết cho rằng muốn đón bình minh sớm nhất ở Khánh Hòa thường phải lên đèo Cả, vì tại đây người ta có thể nhìn thấy mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt nước mà không chút gợn mây che phủ.
Sáng hôm nay tôi mới thấy không thể có sự thật này. Vì khi đứng trên đèo Cả nhìn về hướng Đông, người ta không thể thấy chân trời khi đã có sẵn một dãy núi cao dài nằm che lấp. Ở đây là vịnh Vũng Rô. Được núi che chở nên vịnh Vũng Rô vừa sâu vừa kín. Tuy không bằng vịnh Vân Phong song Vũng Rô cũng có thể trở thành một hải cảng đầy tiềm năng quân sự và kinh tế.
Mặt bằng hành lễ vừa được dọn dẹp xong thì mặt trời đã nhô lên khỏi đỉnh núi. Mặt nước Vũng Rô ửng hồng trong sắc biếc. Bóng những chiếc thuyền đánh cá về neo đậu chập chờn trên mặt biển bao la. Sóng gợn lăn tăn, gió hiu hiu thổi.
Nơi hành lễ là một khu đất rộng nằm sát khúc quanh nơi quẹo Đá Đen. Núi bên trong dựng cao vòi vọi. Sắc đá đen láng hợp với màu xanh đậm của trùng trùng cổ thụ chen lấn với các lùm cây rậm rạp. Phía dưới là mép biển Vũng Rô. Đứng trên bờ vực nhìn xuống, du khách trông rất rõ con đường sắt Bắc Nam vừa chui ra khỏi đường hầm dài nhất xuyên đèo Cả. Đoạn đường sắt ở đây là đoạn đường đẹp nhất, vì sau khi thoát ra khỏi đường hầm dài thì du khách được thấy bên hông đoàn tàu một vùng biển mênh mông. Gió biển thổi ập vào, mà xanh mênh mông của biển cả hòa lẫn với bầu trời cao rộng, xóa đi khoảng thời gian bịt bùng trong u tối hơi bụi của khói tàu. Hạnh phúc đến bất chợt đến khiến lòng khách bàng hoàng. Trong thiên nhiên và cuộc sống hằng ngày có biết bao sự tình cờ gây cho ta đôi phút sửng sốt. Từ Nam ra Bắc, đèo Cả là đoạn đường đèo đầu tiên gây cảm xúc cho du khách khi qua hầm gặp biển để rồi khi đến đèo Hải Vân cảm xúc này được dàn trải nhiều hơn và thích thú nhất là lúc đến Lăng Cô. Cảnh đẹp nhờ núi và biển giao hòa.
Dưới là hầm, trên là khúc quanh Đá Đen đứng bên bờ vực Vũng Rô, đúng là một đoạn đường hết sức nguy hiểm. Nơi đây thường xuyên xảy ra tai nạn. Khi thì người đi xe gắn máy, khi thì xe đò, xe chở hàng hay xe du lịch… lúc vượt qua đường vòng thì vách đá ngăn chận tầm nhìn, đoạn đường vòng lại có khúc quanh quá ngặt nên xe xuống không nhìn thấy xe lên. Không kịp hãm tốc độ hoặc hãm thắng để tránh nhau, xe đành phải lao xuống vực. Những chuyện này thường xảy ra trước khi khúc quanh này được sửa chữa nới rộng và có bảng lưu ý. Ngày trước, tai nạn xảy ra thường xuyên nên ở nơi này người dân phải dựng tượng Quán Thế Âm Bồ tát, vừa để tưởng niệm những người tử nạn vừa để lưu ý tài xế.
Có lần nguyên cả chiếc xe hiệu Tiến Lực chở 49 hành khách lao xuống vực chỉ còn sống sót một người khách phụ nữ. Vì chiếc xe có chở gà trên mui, khi xe đã lao xuống vực, bầy gà gáy vang khiến ngư dân nghe có nhiều tiếng gà gáy bên bờ vực liền ghé ghe đến xem, mới phát hiện ra xác chiếc xe và cứu được người phụ nữ duy nhất còn sống sót. Khi ra khỏi bệnh viện, người đàn bà này trở lại thăm nơi xảy ra tai nạn, trực ngộ ra sự may mắn duy nhất của mình nên tâm nguyện suốt đời che nhà sống tại nơi đây đế quanh năm hương khói cho các bạn đồng hành không được may mắn như mình. Có một vài ngôi mộ của những nạn nhân không người quen biết được chôn tại chỗ, có mả được xây vôi, song mới đây được giải tỏa di dời đi nơi khác chỉ còn lại nền mộ dưới chân bức tượng Quán Thế Âm Bồ-tát đứng trên một nền xi măng cao gần một thước. Người đàn bà sống sót, giờ cũng đã mất rồi. Ngôi nhà bà ở chỉ còn trơ nền cũ.
Thay người cũ, cũng đã có một người phụ nữ luống tuổi khác đến trú ngụ được vài năm nay tại ngay dưới chân tượng Ngài Quán Thế Âm, ngày ngày giữ phần hương khói, nhận nơi khách thập phương những hoa quả cúng lễ, tiền công quả, mỗi khi họ ghé lại cúng vái.
Đúng 8 giờ thì buổi lễ bắt đầu. Sư Thích Chúc Minh khai kinh, các tín hữu đứng nghiêm chỉnh trước tượng đài. Bóng những chiếc áo lam trong khói hương nghi ngút làm nổi bật chiếc áo cà sa màu nâu giữa trưa nắng trên đỉnh đèo Cả.
Bên cạnh bức tượng Quán Thế Âm, nơi sân cỏ được trải rộng các chiếc chiếu, trên sắp xếp đầy đủ các vật phẩm cúng cô hồn như cơm, cháo, xôi chè, bánh kẹo, hoa quả và giấy vàng bạc. Chung quanh, các ngọn nến cháy hắt hiu, các cụm nhang tỏa khói nghi ngút.
Trong nắng mai, tiếng tụng kinh nghe rõ mồn một. Dưới ánh nắng chói chang, người hành lễ nghiêm trang lắng hồn vào bổn phận. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng giọng đọc kinh vẫn trầm trầm lưu loát. Đầu trần đội nắng, đoàn hành lễ chan hòa trong cảnh trang nghiêm. Trong cõi dương trần phảng phất hơi khói linh thiêng, trong lời kinh tiếng mõ như có lẫn tiếng thì thầm nức nở của người bên kia thế giới. Bên lề đường xe qua lại liên tiếp. Từ xa các xe như đã trông thấy cảnh hành lễ nên tránh không bóp còi và sự lưu thông như chậm lại. Theo thông tục của các tài xế lái xe đường trường, mỗi khi gặp cảnh hành lễ như hôm nay, các xe đều chạy chậm lại như để tỏ lòng thành kính, như phân ưu với linh hồn người chết. Và dường như các tài xế có thái độ dè dặt hơn, lái xe cẩn thận hơn trên con đường vạn dặm. Có một vài tài xế dừng xe, bước xuống thắp một cây nhang, vái ba vái rồi lại tiếp tục lên đường.
Xong lễ cúng bái nơi chân tượng Quán Thế Âm Bồ-tát thì khai lễ cúng bái cô hồn. Nắng trưa càng thêm gay gắt, vị sư chủ lễ bây giờ đội thêm chiếc nón lá và các Phật tử tháp tùng hành lễ đội thêm mũ nón nhưng vẫn trang nghiêm tiếp tục niệm kinh dưới nắng trưa. Đến 10 giờ thì buổi lễ chấm dứt. Dưới vực sâu Vũng Rô, gió cuộn tròn khiến nước vực như sôi lên, như có muôn vạn linh hồn nhảy mừng hò reo đón chào, tiếp nhận phẩm lễ. Giây phút này âm dương như giao hòa cùng nhau. Sự thông suốt, cách trở được khai mở, tinh thần buổi lễ cầu siêu như được chứng giám. Trong khói hương nghi ngút có sự chan hòa cảm thông giữa đôi đường âm phủ và dương gian.
Buổi lễ chấm dứt, việc thu dọn sạch sẽ hiện trường được thực hiện rất chu đáo. Tất cả những vật thừa thải đều được gom vào bao tải và chở xuống đèo. Một cơn gió cuốn chợt nổi lên. Những tàn tro nương theo chiều gió bay ra xa rồi tan biến vào không gian bao la của biển cả.■
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 92
