
Những bất cập của Kỹ thuật Sơn truyền thống trong Trùng tu Di tích Kiến trúc

Di tích kiến trúc Việt Nam phần nhiều là gỗ, cho nên việc sơn thếp hầu như luôn có trong công tác tu bổ bảo tồn. Chất lượng hoàn thiện bằng sơn truyền thống (sơn ta) đương nhiên phụ thuộc vào việc tuân thủ kỹ thuật cổ truyền. Thế nhưng, tổng kết việc áp dụng kỹ thuật truyền thống của sơn ta thống gần đây /4/ cho thấy: nhiều khi khó khăn vượt ra ngoài sự điều tiết của kỹ thuật truyền thống; đặc biệt là độ bền khí hậu. Tham gia điều hành phục chế sơn hoàn thiện công trình có các họa sĩ của các trường đại học mỹ thuật, các nghệ nhân và thợ bậc cao của các làng nghê sơn thếp. Thế nhưng, vẫn luôn cảm thấy sự thiếu vắng chất kỹ thuật cần thiết để làm chủ hoàn toàn kỹ thuật, làm chủ hoàn toàn chất lượng. Điều này có nguyên do:
Nghề sơn thếp cổ truyền của ta vốn có từ hàng ngàn năm trước, được biết đến qua các kết quả khảo cổ học. Kỹ thuật sơn được hoàn thiện qua hàng bao thế hệ và tích lũy bằng kinh nghiệm truyền khẩu trong các gia đình thợ. Tuy nhiên, bản chất của sơn, kỹ thuật cổ chưa được nghiên cứu hoàn chỉnh đúng mức. Có một sự khác biệt giữa kỹ thuật sơn cổ truyền và kỹ thuật sơn mài hiện đại, mặc dù cả hai đều xuất phát từ một gốc. Cách đây chừng 60 – 70 năm, tức những năm 30 của thế kỷ trước tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (do người Pháp lập ra), nghệ nhân- thày giáo Đinh Văn Thành đã mài thử một bức tranh được phủ sơn ta pha nhựa thông của sinh viên Trần Văn Cẩn và phát hiện ra sự nổi trội về chất lượng thẩm mỹ (độ trong, độ bóng, độ sâu mầu…). Kể từ đó kỹ thuật sơn mài không ngừng được các thế hệ họa sĩ Việt Nam hoàn chỉnh, nâng cao, tạo nên một trường phái nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Trần Văn Cẩn, sau này trở thành một trong 4 trụ cột của nghệ thuật vẽ tạo hình Việt Nam: nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn (tức Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, và Trần Văn Cẩn). Cũng từ đó, trong các trường đại học mỹ thuật, sơn ta chỉ được phát triển theo hướng làm sơn mài, mà chủ yếu là làm tranh và vật trang trí trong nhà. Trong khi đó, sơn ta, hay sơn thếp cổ truyền vẫn đi theo con đường tự nhiên vốn có, tức là kinh ngiệm của người thợ. Có lẽ vì thế không phải họa sĩ ra trường là nắm bắt được hết ý nghĩa của từng công đoạn sơn, sở trường cũng như sở đoản của kỹ thuật sơn truyền thống. Những nghiên cứu mới nhất liên quan đến sơn ta /2, 3, 7/ lại quan tâm chủ yếu đến sử dụng thành phần chính (laccol) vào một số kỹ thuật công nghiệp như chế tạo màng chống ăn mòn cho thép. Sau này, khi sơn công nghiệp lấn át thì sơn ta chỉ được nhắc đến như hiện tượng đơn lẻ dùng tham khảo, điền cho đủ danh mục chất tạo sơn /6/. Thật là một bất công không nên có đối với một vật liệu quý, với một công nghệ cổ truyền còn đang được phát huy trong công cuộc bảo tồn di sản hiện nay.
Sơn mài là đỉnh cao trong dự phát triển về mỹ thuật của sơn ta truyền thống, bổ sung kỹ thuật cho sơn ta. Nhưng chỉ có mỹ thuật thì chưa đủ, khi mà những công trình trùng tu di tích kiến trúc đang bộc lộ khiếm khuyết về sơn, nhất là tại những cấu kiện phơi lộ ra ngoài trời. Bỏ qua những hư hỏng có nguyên nhân là sự thiếu tôn trọng kỹ thuật, chỉ điểm danh những bất cập của công nghệ cổ truyền:
– Suy thoái màng sơn: sơn mất độ bóng, độ trong, độ sâu mầu (nhìn có độ sâu) một cách nhanh chóng (chỉ sau vài tháng cho đến 1 năm là cùng); màng sơn trở nên sần sùi, rỗ mặt, bong;
– Màng sơn hóa phấn: hình thành lớp bụi từ sơn trên bền mặt, lớp sơn bên dưới có thể ổn định hoặc tiếp tục hóa bụi và mất dần theo thời gian; màu bị thay đổi mạnh;
– Màng và màu sơn “thăng hoa”: theo đúng nghĩa đen, hiện tượng này thường xảy ra nhất đối với một vài loại sơn ta như sơn quang dầu chẩu, sơn phủ hoàng kim.
Một số hình ảnh dưới đây cho thấy dạng những hư hỏng kể trên (công trình do thợ làng nghề sơn truyền thống thi công và nghệ nhân chỉ đạo kỹ thuật):
![]() |
![]() |
Hình 1a – Sơn phủ màu vàng bị hóa phấn và mất mầu (màu trắng là bụi phấn) |
Hình 1b – Sơn son bong màng khi lộ ra ngoài trời |
![]() |
![]() |
1 – c. Sơn phủ hoàn kim màu vàng “thăng hoa” sau 2 tháng, để lộ bạc trắng |
1-d. Sơn phủ hoàn kim trong nhà, trong khi đó vẫn còn màu |
|
|
1-e. Sơn quang “thăng hoa” khi lộ ra ngoài trời, có chỗ mất hết để lộ trơ gỗ |
1 –f. Sơn giữ chất lượng tốt khi ở trong nhà (sơn son thếp vàng, khảm xà cừ) |
Ngoài những hư hỏng do suy thoái ở ngoài trời, trong công nghệ sơn còn một số khiếm khuyết, đáng kể nhất là:
– Điều khiển tốc độ khô sơn: sơn ta rất kén chế độ bảo dưỡng, trời lạnh quá sơn không khô, trời nóng rất lâu khô, thậm chí có trường hợp không thể khô. Điều kiện sơn hoàn thiện (sơn quang dầu chẩu, sơn quang mầu) có thể khô tốt nhất là nhiệt độ không khí 25 – 300C, độ ẩm không khí 80 – 90%. Nhiều khi có nơi dùng chất thúc khô (thường là các chất có tính ô xy hóa cao hay dung môi mạnh, dễ làm phân tử sơn bị cắt đoạn). Cách làm này, theo nhiều người thì về sau sơn sẽ suy giảm chất lượng nhanh chóng (bở, bong, phai màu…). Đối với đồ vật nhỏ, có thể tạo chế độ vi khí hậu trong buồng bảo dưỡng. Tuy nhiên nếu là công trình thì vấn đề sẽ khó khăn hơn nhiều;
– Đảm bảo độ phẳng mặt sơn: bình thường sau khi quét sơn sẽ để lại vết “thép” (tức vết chổi chuyên dùng cho sơn ta), sau năm, mười phút màng sơn tự dàn đều sẽ xóa hết, tạo thành mặt phẳng nhẵn (trong nghề gọi là sơn “tỏa”). Tuy nhiên có những khi sơn không thể tự dàn phẳng mặt mà không rõ nguyên do. Việc này có thể do bản chất sơn, cũng có thể do nền (vóc) làm chưa đạt yêu cầu;
Lẽ dĩ nhiên, phải tuân thủ kỹ thuật truyền thống để tránh những khuyết tật không đáng (mà hư hỏng loại này có rất nhiều). Còn những vấn đề nằm ngoài sự điều tiết của kỹ thuật truyền thống (nêu trên) cần được phân tích và giải quyết bằng biện pháp khoa học. Nhưng trước khi đi vào bản chất những bất cập nên thống nhất một số khái niệm để tránh nhầm lẫn như đang diễn ra rất phổ biến hiện nay:
– Sơn ta: thường được hiểu là các loại sơn truyền thống, tuy nhiên trên thị trường có thể được hiểu như nguyên liệu để chế tạo sơn truyền thống (tức nhựa cây sơn). Trong bài này được dùng như tên chung chỉ các loại sơn được chế từ nhựa cây sơn (tức là chỉ sản phẩm chứ không chỉ nguyên liệu, vật tư). Nếu muốn nói đến nguyên liệu sẽ dùng từ “nhựa sơn ta”;
– Sơn vóc: thường được hiểu là các sơn làm nền (hom, bó…) cho các nước sơn hoàn thiện. Tuy nhiên trên thị trường còn được hiểu là loại nhựa sơn kém chất lượng, chỉ dùng để chế sơn hom, sơn bó. Trong bài này, từ “sơn vóc” dùng theo nghĩa thứ hai, tức nhựa sơn dùng chế sơn hom, sơn bó. Khi muốn dùng nghĩa thứ nhất sẽ sử dụng từ “sơn sống”, tức là sơn chưa ngả;
– Sơn ngả: trên thị trường hiểu là nhựa sơn đủ chất lượng dùng chế sơn chín (sơn cánh gián, sơn quang…). Trong bài được hiểu theo nghĩa này; còn sơn đã ngả chín thì được gọi bằng tên riêng như sơn chín cánh gián, sơn thí, sơn quang… và gọi chung các sơn đã ngả là “sơn chín”;
– Sơn cánh gián: là sơn chín được ngả từ nhựa sơn ta mà không pha thêm chất nào khác; được đặt tên là sơn chín cấp 1. Từ sơn này chế ra các loại sơn chín khác;
– Sơn quang dầu chẩu: sơn chín được chế từ sơn cánh gián và dầu chẩu (gọi tắt là sơn quang dầu);
– Sơn quang dầu nhựa: được chế từ sơn cánh gián pha với dầu chẩu và nhựa thông;
– Sơn quang mầu: được đặt tên để gọi sơn hoàn thiện bên ngoài, gồm sơn son và các loại sơn mầu khác (xanh, vàng…); chế từ sơn quang và bột mầu;
Để hiểu bản chất những bất cập của kỹ thuật cổ truyền, cần xét đến bản chất sơn, trước hết là các chất liệu ban đầu dùng chế tạo sơn, đó là: nhựa sơn ta, dầu chẩu, nhựa thông, bột màu sơn mài.
* Nhựa sơn ta: tức mủ cây sơn ta, thành phần gồm có laccol, laccazơ, polyxacarid, nước… và tạp chất. Chất tạo màng sơn là laccol, sơn tốt có nhiều laccol, màng sơn bền, trong; tuy nhiên rất khó khô. Các loại nhựa sơn tốt như mật dầu, giọi nhất nhiều laccol nên rất lâu khô. Muốn khô phải nhờ laccazơ. Do đó khi muốn sơn khô nhanh hơn người ta dùng sơn loại kém (giọi nhì); khi đó màng sẽ không bóng, kém trong. Nước trong sơn có nhiều, có thể trên 30%, nhiều nhất khi khai thác vào mùa mưa. Phân tử laccol có cấu tạo từ nhân benzen và một mạch thẳng. Trong phân tử có liên kết đôi và có các nhóm chức OH. Liên kết đôi làm sơn có khả năng phản ứng trùng hợp cho hợp chất bền và phản ứng với các chất khác làm yếu cấu tạo sơn. Nhóm OH làm giảm sức bền nước. Khi ngả sơn (đánh sơn) các phân tử nhựa sơn trùng hợp tạo thành chất bền vững, sơn ngả chín sẽ trong và bền hơn. Tuy nhiên sự trùng hợp không bao giờ hoàn toàn: các liên kết đôi chỉ bị phá vỡ ở phần mạch thẳng (nhưng chỉ một phần), phần nhân benzen giữ nguyên, các nhóm OH vẫn còn. Do đó khi làm việc ngoài trời các liên kết đôi sẽ tiếp tục bị ôxy hóa làm suy thoái màng sơn. So với sơn truyền thống của Nhật Bản, sơn của ta kém hơn về điểm đó. Nhựa sơn ta khi bị đun sôi sẽ khó khô; do đó khi cần kéo dài thời gian khô (như trong sơn cầm thì một lượng sơn đun được trộn vào nhựa sơn khi ngả). Khi bị lạnh, phản ứng trùng hợp của sơn và phản ứng của sơn với các thành phần còn lại sẽ ngừng, vì thế sơn lâu khô. Với công nghệ và kỹ thuật cổ truyền không có cáchh gì đảm bảo sơn chóng khô trong điều kiện bất lợi của thời tiết, kể cả gia nhiệt đến mức cao 3000C /6/.
* Dầu chẩu: là dầu thảo mộc, trong thành phần chủ yếu có axit béo không no, hợp chất chính là axit alenostearic. Trong phân tử có nhiều liên kết đôi và nhóm OH. Do đó dầu chẩu cũng cần sử lý để được sản phẩm trùng hợp. Sử lý theo cách truyền thống nghĩa là đun dầu đến độ đặc nhất định. Đun lâu và nhiệt độ cao sẽ được phản ứng trùng hợp hoàn toàn hơn: phân tử tạo thành lưới không gian 3 chiều bền vững. Tuy nhiên, đun nhiệt độ cao và lâu sẽ khó vì chẩu đặc quánh, không chế với sơn được. Nhiệt độ và thời gian lưu giữ nhiệt đến mức quánh như sau:
Nhiệt độ |
0C |
250 |
268 |
285 |
310 |
Thời gian |
Phút- giây |
27’15” |
13’30” |
7’25” |
3’10” |
Theo chế độ này thì rất khó đun đến 3000C. Trong các tài liệu của trường đại học nghệ thuật và của một số tác giả /1, 8/: đun chẩu đến khi sôi thì hạ lửa đun nhẹ liu riu cho tới khi đạt độ đặc. Nhưng chỉ đạt độ đặc thì chưa đủ, mà phải đạt được độ dai, độ bền của màng chẩu. Theo cách thử truyền thống độ đặc được kiểm tra như sau: lấy một giọt dầu chẩu nóng cho lên má dao thép cho nguội bớt, dùng đầu ngón tay cho chấm dầu, chập vào ngón cái rồi kéo ra. Nếu dòng chẩu bị đứt khi đạt độ dài 1 kim khâu thì gọi là chẩu 1 kim, tương tự có độ đặc 2 kim, 3 kim. Cách này khá dao động vì chẩu nóng và chẩu nguội sẽ có độ đặc khác nhau, tốc độ kéo dãn cùng khác nhau… Song cho đến nay vẫn chưa có tiêu chuẩn nào thay cho các thử truyền thống nên khó ổn định chất lượng nấu chẩu. Ngoài ra phải kể đến chất lượng chính của dầu chẩu là: sản phẩm có bền không?. Cách mà chúng ta đang dùng giống như cách “chiếng thử” sơn truyền thống. Tức là đun chẩu, lấy mẫu quét lên thẻ tre chờ khô. Nếu màng chẩu không bị hút hay bay hơi mất, lấy móng tay bấm đẩy bong thành màng thì được chẩu dai, nếu không có hoặc màng bị thành bột – sẽ kém chất lượng khi pha sơn. Cách đun chẩu và pha chẩu với sơn hiện nay khó kiểm soát được chất lượng, đồng thời có một số điểm yếu sau:
– Trong quá trình trùng hợp dầu chẩu sẽ hình thành polime 3 chiều làm tăng độ bền; song cũng sinh ra các nhóm axit tự do, nhóm OH… ảnh hưởng xấu tới chất lượng sơn;
– Trùng hợp thành polime 3 chiều chỉ đạt tối đa 80%, số hợp chất và liên kết đôi còn lại sẽ bị tác động của không khí, bức xạ mặt trời sau khi sơn làm lão hóa màng sơn (bong, giòn, mờ…);
– Dầu chẩu làm sơn lâu khô. Để sơn lâu khô thợ sơn đôi khi pha một chút chẩu sống, kết quả làm màng sơn kém bền khí hậu.
Những nghiên cứu gần đây /4, 5/ cho thấy: dầu chẩu là tác nhân kém bền khí hậu nhất của sơn ta nhưng lại không thể loại bỏ ra khỏi thành phần sơn vì dầu chẩu đảm bảo các tính chất: độ bám dính, độ dai màng, độ trong, độ bóng, độ tươi mầu… Ngả kỹ sơn có thể đạt độ trong nhưng không thể đạt độ bóng, độ sâu mầu. Đã chứng minh được chỉ cần dầu chẩu bị giảm tới 10,0% thì màng sơn nhanh chóng bị bong, nứt. Dầu chẩu lại có chức năng kết dính với chất tạo mầu trong sơn ta. Như vậy chỉ có thể cải thiện chất lượng chẩu chứ không thể loại bỏ nó hoàn toàn. Trong công nghiệp đã từng chế tạo một loại sơn từ dầu chẩu – sơn dầu tùng hương (dầu chẩu, colophan – không có nhựa sơn ta). Khi đó dầu chẩu là thành phần chính có độ bền khí hậu cao. Tuy nhiên dầu chẩu trong trường hợp này được sử lý công nghiệp khá phức tạp (đun trong khí trơ tới 3000C, tự động hóa quá trình khuấy trong nồi kín chân không hoặc hơi nước…). Nếu áp dụng sản suất công nghiệp thì sẽ mất yếu tố truyền thống của công nghệ cần bảo tồn. Do đó cấn cố gắng cải thiện chế độ kỹ thuật cổ truyền.
* Nhựa thông: trên thị trường thường chỉ cung cấp tùng hương (côlôphan) – sản phảm còn lại sau khi chiết từ nhựa thông phần dầu (etxăng) thông. Trong nghề sơn ta, cũng như trong giáo trình sơn mài, tùng hương được nấu trong dầu hòa đến khi thành chất lỏng thì chế vào nhựa sơn để ngả. Sơn có nhựa thông thường cứng mình, màng có độ sâu, nhưng kéo dài thời gian khô (sơn lâu khô hơn cả sơn dầu chẩu). Thường được dùng ở các công đoạn hoàn thiện có mài. Trong công nghiệp sơn dầu thảo mộc tùng hương được gia công thành rêdinat hoặc este cho mau khô. Nhưng cũng như dầu chẩu, cách này làm biến đổi hẳn quy trình kỹ thuật truyền thống. Để sơn mau khô còn có thể gia nhiệt cho hình thành abiêten /6/. Tuy nhiên nếu đun bình thường thì không thể nấu được vì tùng hương bị cháy bốc khói mù mịt và không thể đun được tiếp. Nhưng côlôphan cũng chỉ dùng chủ yếu trong sơn mài.
* Chất màu sơn mài: sơn ta đòi hỏi chất màu riêng; xưa kia dùng nhiều chất vô cơ như thần sa, chu sa, thổ hoàng…, có một số chất hữu cơ như nghệ, yên chi… Ngày nay chủ yếu dùng chất hữu cơ. Điều đó đồng nghĩa với việc sơn có mầu kém bền khí hậu. Ngoài ra bản chất của màu (trung tính, axit, kiềm) nếu xung đột với sơn thì sơn cũng sẽ biến mầu. Vấn đề này chưa được nghiên cứu kỹ.
Như vậy mỗi thành phần của sơn ta có những phức tạp riêng và ảnh hưởng không đến tính chất của sơn khi phối trộn và gia công sơn. Độ bền khí hậu được đặt ra khi có những cấu kiện bị phơi lộ ra ngoài. Khi đó sơn bền hay không phụ thuộc vào các điều kiện:
– Các yếu tố môi trường: không khí, nước mưa, bức xạ;
– Thành phần cấp phối của sơn;
– Chế độ gia công chế biến sơn.
Trong một thí nghiệm của Phân Viện KHCNXD Miền Trung đã chứng minh: tác nhân làm suy thoái sơn lớn nhất chính là bức xạ mặt trời chứ không phải ôxy hay nước mưa. Các mẫu sơn phủ hoàn kim có bề mặt hướng lên trên (chịu bức xạ trực tiếp) bị bay mầu, mất màng sơn nhanh chóng, trong khi mặt bên vẫn còn mầu vàng (Hình 2).
|
Hình 2. Mẫu sơn phủ hoàn kim để ngoài trời 20 tháng: cạnh mẫu vẫn còn mầu trong khi mặt mẫu đã mất mầu, mất màng sơn.
|
Về cấp phối sơn: theo kinh nghiệm thợ, và cũng theo giáo trình sơn mài thì công thức 2 sơn 1 chẩu cho mầu đẹp, bóng. Tuy nhiên chỉ đảm bảo được độ bền trong nhà. Khi đưa ra ngoài trời sơn sẽ “bốc hơi” nhanh chóng vì trong cấp phối tỷ lệ chẩu khá cao, lại không được ngả đúng chế độ. Như trên đã nói, dầu chẩu đảm bảo độ bóng, độ bền, độ dai màng sơn, độ tươi và độ bền của mầu. Tùy theo yêu cầu của sản phầm mà có thể điều chỉnh gia giảm lượng chẩu tới mức hợp lý; kể cả dưới 30%.
Lượng chẩu có thể giảm nhưng quan trọng nhất vẫn là chế độ chế biến các vật liệu đầu vào: nhựa sơn, dầu chẩu, tùng hương. Chất lượng, nhất là độ bền khí hậu được nâng cao khi đảm bảo được các điều kiện sau:
– Nhựa sơn có đủ lượng laccol nhưng không nhiều đến mức làm sơn chậm khô; sơn sẽ bền, sẽ trong nếu ngả chín kỹ; nhưng nếu ngả lâu quá sơn bị “xoẳn” – tức là đông đặc, phải bỏ;
– Dầu chẩu được nấu thành chẩu dai, nhưng nếu đun kỹ sẽ bị đặc; thậm chí có thể làm sơn rất lâu khô. Chẩu cho độ bóng, nhưng chỉ là ban đầu vì sẽ mất đi nhanh chóng nếu ở ngoài trời;
– Tùng hương cần được sử lý nhiệt đến độ có thể khô nhanh, lượng chỉ vừa đủ vì quá liều sẽ làm màng sơn giòn, dễ bong vảy về sau; đồng thời làm sơn lâu khô.
Rõ ràng, muốn có được sơn chất lượng thì cần “cân, đo, đong, đếm” chuẩn xác. Tiếc là các chỉ tiêu chất lượng hiện nay lại chỉ được xác định bằng hình thức thô sơ của kỹ thuật cổ truyền, có giá trị chất dao động khá nhiều. Ngoài việc thử độ đặc của dầu chẩu nấu đã nói ở trên, các phép đo đều được làm theo cách “chiếng thử” dùng cho cả nhựa sơn, sơn bán thành phẩm và sơn thành phẩm. Tức là vật liệu được bôi thành màng lên thẻ tre, quan sát thời gian khô, độ bóng… Trong khi đó để đảm bảo chất lượng, rất cần một quy trình kiểm tra chặt chẽ từ khâu nhập vật tư đến khâu kiểm tra xuất xưởng. Trong báo cáo tổng kết /4/ quy trình kỹ thuật sơn truyền thống, đã chỉ ra nhiều bất cập đang tồn tại trong việc chế biến và thi công sử dụng sơn ta. Những vấn đề chính là thiếu vắng các tiêu chuẩn:
1 – Kiểm tra chất lượng nhựa sơn đầu vào: có cả chục cách trộn tạp chất vào sơn (nước, nước chè, paraphin, đường, dầu máy…); chưa kể lượng nước có sẵn trong sơn cũng là yếu tố chất lượng. Quan trọng nhất là việc kiểm tra các chỉ tiêu: thành phần hợp chất (laccol, laccazơ), độ dai, độ khô… Đặc biệt là thiếu các phương pháp kiểm tra nhanh cho việc thu mua;
2 – Hướng dẫn sơ chế, phân loại nhựa sơn và đánh giá chất lượng sơn kỹ thuật (tức là nhựa sơn đã sơ chế bỏ tạp chất và giảm nước; phân ra: mật dầu, giọi nhất, giọi nhì, sơn chân, nước thiếc). Nhiều tiêu chí trùng với kiểm tra nhựa sơn đầu vào nên có thể biên soạn tiêu chuẩn chung;
3 – Hướng dẫn chế tạo, sử dụng và đánh giá chất lượng sơn vóc (hom, bó); đặc biệt là cấp phối thành phần: loại nhựa sơn, hàm lượng nhựa sơn, bột gỗ, bột đá, đất sét… Hiện thiếu vắng các thiết đo hiện trường;
4 – Hướng dẫn kỹ thuật và đánh giá chất lượng ngả nhựa sơn thành sơn chín cấp 1: Tìm chỉ tiêu chất lượng và Định lượng chỉ tiêu “chín” của sơn để chính xác hóa phẩm chất, dùng thay thế hoặc bổ sung cho cách xác định truyền thống vẫn dùng hiện nay. Bản chất là trả lời câu hỏi: sơn thế nào gọi là “chín”?
5 – Hướng dẫn kỹ thuật và đánh giá chất lượng các loại sơn chín: độ bóng, độ sâu mẫu, độ dai, độ bền khí hậu, thời điểm thếp, độ bền mầu… bên cạnh các tiêu chuẩn khác như: độ bền phong hóa, độ chịu uốn, độ bám dính, độ phấn hóa, độ dày màng sơn…
6 – Hướng dẫn kỹ thuật và đánh giá chất lượng các vật tư khác liên quan: vàng quỳ, bạc quỳ, bột màu, dung môi…
Kèm theo các tiêu chuẩn sẽ phải có thiết bị đo đạc cần thiết.
Lời kết: Những bất cập của kỹ thuật cổ truyền có rất nhiều, song việc giải quyết bằng khoa học hiện đại chưa kịp đáp ứng nhu cầu thực tế tu bổ bảo tồn di tích hiện nay. Vấn đề còn bỏ ngỏ chờ sự quan tâm của cộng đồng.
TS TRẦN MINH ĐỨC
