Phật giáo qua tranh: Lời nguyện ở lại của Bồ tát

Ngày 22/03/2017 1,564 lượt xem

Hồi trước có một lần gặp một bạn lên chùa cúng Phật, bạn nhìn bức tượng Quán Thế Âm và hỏi: “Vì sao lúc thì gọi là Phật bà Quan Âm, lúc lại gọi Bồ tát Quán Thế Âm?”

Đây cũng là câu hỏi của nhiều người đặt ra, và xin phép được “gỡ” một cách từ từ, đơn giản nhất, và đa phần dựa trên các tài liệu có sẵn, gần như không có cái gì là do người thực hiện bài này tự nghĩ ra được. Trong lúc gỡ, có điều chi khác biệt, xin các bạn cùng góp vào cho rộng đường thông tin.

Câu hỏi này cũng xin được đi thành nhiều kỳ. Kỳ đầu tiên là về chữ “Bồ tát”.

Một vị Bồ tát dẫn một người phụ nữ cúng dường về nơi Cực Lạc. Tranh lụa cuối đời Tống.

Chữ “bồ tát” nguồn gốc từ tiếng Phạn, dịch âm ra đầy đủ là bodhisattva (đọc là “bô-đi-sạt-va”), tức “bồ đề tát đỏa”

Theo Thư viện Hoa sen, bồ đềgiác, “tát đỏa” là hữu tình. “Bồ tát” là “giác hữu tình”, tức là “loài hữu tình có giác ngộ”.

Giác ngộ đây không phải là giác ngộ cách mạng thưa các bạn, mà giác ngộ được cái chân lý “đời là bể khổ” (là cái câu mà các đại bàng vẫn xăm trên mình), rằng nỗi khổ đó không từ một ai, rằng cái gì cũng có thể mang lại khổ cho chúng sinh, có cũng khổ mà không cũng khổ, sinh cũng khổ mà tử cũng khổ…

Nhưng không phải như chúng ta khi ăn uống no say thì kêu thích quá vui quá, khi mất tiền mất việc thì kêu đời sao mà khổ quá, giác ngộ của chữ bồ tát là một sự giác ngộ thường trực về cái “khổ” trong mọi hành động, trong cả kiếp sống, không phải chỉ kiếp sống của mình, mà của cả người khác, loài khác, tưởng như không liên quan đến mình.

Tượng Quan Thế Âm bồ tát. Sa thạch, 550-560, Trung Quốc

Cao hơn nữa, giác ngộ ở cấp độ bồ tát không chỉ nhận biết về cái “khổ” luôn tồn tại, mà còn là thương lấy tất cả những kẻ đang chịu cái khổ đó. Và không phải như chúng ta chép miệng “thương quá” một cái rồi quên, cái thương xót của bồ tát là mức sâu sắc, đến mức quyết phải giải thoát cho kẻ đang phải chịu cái khổ ấy, dù kẻ ấy là người, là thú, là ma, hay là côn trùng…  tóm lại là tất cả “chúng sinh”.

Nhưng chừng đó thôi đã có thể gọi là bồ tát rồi sao? Sao mà dễ dàng vậy?

Đó mới chỉ là bản chất của chữ “bồ tát”, đặc tính của chữ ấy. Ai có sự giác ngộ nói trên, có sự sẵn lòng hy sinh để cứu người khỏi khổ thì gọi là có “tâm bồ tát”. Anh có thể có tâm bồ tát, tôi cũng thế, nhưng chúng ta vẫn còn là những chúng sinh hữu tình “thỉnh thoảng” giác ngộ. Còn trở thành một vị Bồ tát (viết hoa) thực sự thì nằm ở mức độ thực hành và ý định, chúng ta sẽ bàn kỹ sau.

Phật A Di Đà trùm ngọn núi. Bên trái là Đại Thế Chí bồ tát, bên phải là Quán Thế Âm bồ tát. Tranh lụa thời Kamakura (Nhật). Hiện ở đền Zenrin-ji (Kyoto). Hình từ trang này

Ai có thể thành Bồ tát?

Gọi theo ngôn ngữ thông thường, Bồ tát là một “cấp bậc”, một giai đoạn bắt buộc phải trải qua trước khi thành Phật. Giai đoạn này không thể rút ngắn được và bị ràng buộc bởi những điều kiện rất ngặt nghèo. Thí dụ, theo nhiều tài liệu dẫn kinh sách của Phật giáo nguyên thủy, người muốn trở thành Bồ tát cần hội đủ 8 điều kiện sau, mà điều kiện số 4 và số 8 trong bảng này là khó nhất, cũng như điều kiện số 2 là “khó xử” nhất:

1.     Phải là người đang sống ở cõi nhân gian
2.     Phải là đàn ông
3.     Phải là người tu xuất gia
4.     Phải có năm pháp thần thông (là Thần túc thông, Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, có nghĩa là “tới được hết, thấy được hết, nghe được hết, hiểu được hết, thấu mọi kiếp”. Năm pháp thần thông này phải tu tập và thiền định mới có, không phải bẩm sinh). Ngoải ra phải thông suốt tám tầng thiền
5.     Phải quyết chí trở thành Phật
6.     Phải quyết từ bỏ tất cả, kể cả thân mình, vì Phật
7.     Trong kiếp tu đó, dù có được trở thành Alahán cũng phải từ chối, tiếp tục chuyển sang kiếp khác để tu
8.     Phải phát nguyện trước một vị Phật tại thế, và được vị Phật ấy xác nhận đủ phẩm chất là Bồ tát.

Địa Tạng bồ tát và 10 vị vua (Thập điện diêm vương) ở địa ngục. Tranh cổ 1799 của Hàn Quốc. Hình từ trang này

Muốn thành Phật phải rất khó…

Khi đã được vị Phật tại thế xác nhận đủ phẩm chất để là Bồ tát rồi, muốn tiến lên thành Phật, một vị Bồ tát phải trải qua thực hành 10 Ba-la-mật.

Mười Ba-la-mật là 10 phẩm chất: bố thí, giữ giới, xuất gia, có trí tuệ, tinh tấn, biết nhẫn nhục, chân thật, kiên định, từ bi, hỉ xả. (Hẳn có ai đó đang nghĩ: “Dễ thế nhỉ, khó mỗi điểm phải ‘xuất gia’!”)

Nhưng thưa bạn, muốn thành Phật thì cũng 10 Ba-la-mật trên, vị Bồ tát phải thực hành ở mức độ cao nhất. Có người đã ví thế này: người thường chúng ta khi làm 10 điều trên bao giờ cũng giữ lại cho mình một phần (nếu không nói là phần nhiều), Bồ tát thì không giữ gì cho mình cả. Thí dụ ta có tâm bồ tát đấy, nhưng ta có nhảy vào lửa cứu người thì vẫn giữ sao cho ta không bị thương nặng, nếu ước lượng thấy nguy hiểm có thể mất mạng thì ta đành bó tay dừng lại và thương xót kẻ bị lửa cướp đi. Bồ tát thì quên hẳn bản thân, có thể bỏ cả tính mạng để người kia được sống. Hay như ta có tâm bồ tát đấy, ta khá giả, mỗi tháng trích ít lương ra làm từ thiện đều đặn, thế cũng là tốt lắm. Nhưng một vị Bồ tát thì khi cần sẽ dốc tất tần tật để cho, cả vương quốc, cả vợ, cả con, cả bản thân, không tiếc gì cả. Người ta nói Bồ tát thực hành 10 Ba-la-mật không như ta rót nước nhón nhén thể nào cũng chừa lại một ít. Bồ tát thực hành ở mức cùng cực, như úp ngược bát nước xuống, không còn lại cho mình một giọt nào.

Phổ Hiền bồ tát cưỡi voi. Hình từ trang này

Muốn thành Phật phải rất lâu

Nhưng không phải cứ thực hành 10 Ba-la-mật cùng cực như thế trong một kiếp là xong, là thành Phật, mà vị Bồ tát phải thực hành như thế liên tục suốt một thời gian rất, rất, rất lâu trong cõi đời đầy khổ ải này, qua nhiều kiếp, mỗi kiếp là một cảnh đời.

Nói “lâu”, nhưng cụ thể là bao lâu?

Người ta bảo, thời gian đó từ 4 tới 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, tùy theo loại Bồ tát nào và trở thành loại Phật nào.

A-tăng-kỳ là một đơn vị đo thời gian, được Đức Phật giảng cho một vị tì kheo như sau: có một khối đá vuông, cạnh 1 do tuần (khoảng 16km). Cứ 100 năm có một người lấy tấm lụa mỏng quét vào khối đá ấy. Thời gian để khối đá ấy mòn sát đất gọi là 1 A-tăng-kỳ

Hai bên Phật là hai vị Bồ tát: Văn Thù bồ tát bên tay phải cưỡi sư tử, Phổ Hiền bồ tát cưỡi voi.

Còn “đại kiếp” là một chu kỳ 4 thì “thành, trụ, hoại, không”, từ khi trái đất hình thành những thành phần đầu tiên, cho tới khi nó tan vào hư không, rồi xuất hiện thành phần đầu tiên của một địa cầu mới. Đại kiếp là kiếp của của địa cầu.  Trong một đại kiếp, vị Bồ tát kia có thể sẽ trải qua hằng hà kiếp sống…

Thế mà phải mất ít nhất là 4 A-tăng-kỳ (tức mòn 4 khối đá kia) và 100.000 đại kiếp thực hành liên tục 10 Ba-la-mật không gián đoạn, luôn tinh tấn, thì một vị Bồ tát mới thành Phật, đủ biết là công phu đến nhường nào, và thảo nào chỉ có khoảng chục vị Bồ tát “mấp mé thành Phật” hoặc đã thành Phật nhưng vẫn muốn ở lại làm Bồ tát, trong đó có ngài Quán Thế Âm của chúng ta.

chúng ta có nói về con đường để một Bồ tát trở thành Phật là phải thực hành 10 Ba-la-mật từ 4 tới 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Những “đại kiếp”, “a tăng kỳ” đó thực ra mang một thông điệp ngầm, mang ý nghĩa gần như là “bất khả”. Đơn cứ như với phẩm chất đứng đầu danh sách là bố thí; Ai có thể trong cả một đời mà lúc nào cũng sống mà cho đi hết, vì người khác hết như bát nước úp ngược, không chừa cho mình một giọt nào? Chắc là không có được, nên phải tu nữa, tu nữa, từ đời này sang đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác…, đến một lượng thời gian mà người ta nghe vào (theo nghĩa đen) thấy như là… bịa đặt.

Và bố thí Ba-la-mật, tức bố thích sạch sành sanh như bát nước úp ngược, là thế nào mà khó thế? Bài này xin rẽ ngang để dẫn một ví dụ về việc này.

Ví dụ điển hình nhất, gây tranh cãi nhất, là chuyện bố thí của Bồ tát Vessantara, tức tiền thân của đức Phật Thích Ca. Người viết xin tổng hợp từ nhiều nguồn thành một bài gửi các bạn.

Câu chuyện đó là như sau:

Bồ tát Vessantara vốn là hoàng tử con vua Sañjaya nước Sivi. Ngày ngài ra đời, có con voi trắng Paccaya cũng chào đời, là một điềm quý.

Lên tám, Vessantara nguyện sẽ bố thí mọi thứ, từ tài sản tới chính đôi mắt mình. Lớn lên, Vessantara kết hôn với Maddī lên ngôi vua, có hai con là hoàng từ Jāli và công chúa Kaṇhajinā.

Một lần, nước láng giềng có nạn hạn hán, có tám vị Bà-la-môn đến xin Vessantara bố thí voi trắng Paccaya vì con voi này có phép làm mưa. Vessantara đem cho luôn. Dân chúng bực quá đòi vua cha đày Vessantara lên núi.

Vessantara ra đi, hoàng hậu Maddī xin mang theo hai con.

Vừa rời thành, Vessantara gặp bốn vị Bà-la-môn chặn đường xin xe. Ngài cho luôn xe.

Một vị Bà-la-môn khác xin ngựa. Ngài cho luôn ngựa.

Cả nhà Vessantara phải đi bộ từ đấy, đến núi Vaṅka mà sống.

Hàng ngày Maddī vào rừng kiếm quả mang về cho chồng, con ăn.

Có một vị Bà-la-môn già cưới vợ trẻ. Cô vợ mỗi lần đi lấy nước đều bị trai làng trêu. Cô bắt chồng phải đến xin Vessantara hai người con về làm người hầu cho mình. Lão Bà-la-môn cũng lặn lội đến tận nơi xin.

Trong lúc vợ đi hái trái cây, Vessantara đem cho luôn hai con.

Đứa con trai quì dưới chân bố, van xin đừng cho đi. Nhưng Vessantara vẫn không thay đổi ý định.

Lão Bà-la-môn buộc hai đứa trẻ dắt đi, vừa quát vừa đánh. Vessantara quay về lều và khóc.

Trong lúc ấy, các thần tiên giả làm thú dữ, ngăn Maddī trở về trước khi lão Bà-la-môn dắt bọn trẻ đi. Về đến nơi thì mọi chuyện đã rồi.

Sáng hôm sau, lại có một vị Bà-la-môn đến xin Vessantara cho Maddī về làm người hầu. Maddī gật đầu ra hiệu đồng ý, Vessantara trao Maddī cho vị Bà-la-môn. Ngay lúc ấy, vị Bà-la-môn hiện hình là Đế Thích, trao cho Vessantara 8 điều ước. Ngài ước, trong số đó, ngài ước được phụ vương gọi về kinh.

Trong lúc đó, hai đứa trẻ đi cùng lão Bà-la-môn sợ vợ vẫn được các thiên thần bảo vệ. Nhà vua (ông) cũng được báo mộng, khiến sáng ra vừa nhìn thấy hai đứa đi ngang qua thành là biết ngay cháu mình. Ông đón chúng về, ban cho lão Bà-la-môn nhà cửa, tiền bạc và đồ ăn thức uống ngon lành. Lão già ăn nhiều quá bị bội thực chết ngay. Luật thừa kế lúc ấy đâu không biết để vợ trẻ của ông lão không được hưởng gì, mà mọi thứ lại quay trở lại kho lẫm của nhà vua.

Vua cha cho đón Vessantara và Maddī về kinh. Hai người được trao quyền trở lại. Suốt đêm, Vessantara nghĩ làm sao có thể bố thí nhiều cho dân. Sáng ra, Đế thích “tài trợ” ngài bằng một trận mưa ngập lụt cả lâu đài toàn những vàng bạc đá quý, đủ để ngài bố thí đến trọn đời.

Xin nhắc lại lần nữa, Vessantara là tiền thân của đức Phật Thích Ca của chúng ta. Và câu chuyện bố thí Ba-la-mật trên dĩ nhiên gây ra rất nhiều tranh cãi. Người ta có thể dùng nhiều tính từ trong lúc bực bội để gắn cho Vessantara, nào là “hâm”, là “ích kỷ”, là “ác”, và câu chuyện này là “ngớ ngẩn”, “vô lý”, “phản tác dụng”.

Tuy nhiên, mọi ví dụ cực đoan đều có mục đích và ý nghĩa sâu xa của chúng, nhất là những câu chuyện về hành xử của đức Phật và các tiền thân của ngài. Chúng ta cũng nên ngẫm nghĩ về câu chuyện này. Chỉ xin cung cấp một chút “công cụ” để việc suy luận được chặt chẽ hơn là các bạn nhớ tham khảo các đặc điểm thần thông mà các vị Bồ tát có được, đã từng nói tới trong bài trước.

Cuối cùng, để xem những người khác cũng lập luận ra sao, các bạn có thể xem thêm link này.

Hẹn gặp lại các bạn vào bài kế tiếp, cũng về chủ đề Bồ tát.

Người ta bảo, “cúng thì phải cúng Phật, cầu thì phải cầu Bồ tát”. Đó là một câu nói vừa đúng vừa sai. Thờ cúng thì dĩ nhiên phải cả Phật, cả Bồ tát chứ – như một đích đến toàn hảo nếu thực sự tâm ta muốn tu, lòng ta muốn học tập họ. Nhưng đúng là cầu xin trợ giúp thì đối tượng chính phải là Bồ tát. Phật thì đều đã về Niết bàn, tức xa ta rồi, không với tay xuống cõi ta bà này được nữa. Nhưng Bồ tát thì vẫn còn ở đây, để cứu khổ. Họ là những vị hoặc là chưa đạt được đẳng cấp Phật để về Niết bàn, hoặc đã đạt được quả vị Phật rồi, đủ điều kiện để lên Niết bàn rồi, nhưng vẫn ở lại, đúng như lời nguyện. Dần dần trong các bài sau, chúng ta sẽ bàn kỹ về những vị Bồ tát “cấp cao” này.

Tượng đời Đường, cuối thế kỷ thứ 7. Hai Bồ tát ở đây được thể hiện trong hình tướng nữ là Quán Thế Âm (bên phải trên đầu có hình Phật nhỏ, tay cầm bình nước cam lồ) là đại diện của từ bi, Đại Thế Chí (bên trái, tay nâng búp sen) là đại diện của trí tuệ

Lời nguyện hy sinh

(Đến đây phải dừng lại một chút để nhắc các bạn đang đọc bài, rằng ta đang nói tất cả những chuyện này trong một “môi trường tin-là-có-Phật” nhé, để khỏi tranh luận những thứ không liên quan và không xuất phát từ điểm khởi đầu là “tin-rằng-có-Phật)

Hai mươi lăm Bồ tát xuống từ trời. Tranh Nhật, khoảng năm 1.300, bảo tàng Kimbell Art Museum

Đại thừa chia ra hai loại Bồ tát. Bồ tát dưới thế và Bồ tát trên trời. Một người nghèo đang khốn khổ đến tận cùng vì con ốm, vì mất nhà, bỗng nhiên từ đâu xuất hiện một bà cụ trong xóm cho ở nhờ, kiếm cho công ăn việc làm, chữa bệnh cho đứa bé… Rất có thể, người nghèo ấy đã gặp một vị Bồ tát dưới thế.

Một kẻ ngã xuống suối, đang chới với bị nước cuốn sắp chìm, chợt có người đi qua không màng dòng nước lạnh, đá nhọn nguy hiểm, lao xuống cứu vào. Kẻ bị ngã kia rất có thể đã gặp một vị Bồ tát dưới thế.

Còn Bồ tát trên trời, như đã nói, là những vị đã đạt quả vị Phật, nhưng nguyện vẫn đi đi về về để cứu độ. Thay vì lên Niết bàn làm Phật, yên bình giữa rừng cây bảy báu, cảnh vật thần tiên, thì các ngài chọn việc lặn lội dưới thế, tai vẫn phải nghe lời than khổ, mắt vẫn phải chứng kiến cảnh khổ, tâm vẫn phải chịu khổ nỗi khổ của chúng sinh. Và chúng sinh không phải chỉ là “người”, mà còn là muôn loài, cả hữu hình lẫn vô hình.

Mã Đầu Quán Âm có ba mặt tám tay. Trên đỉnh của ba mặt đều có hình đầu ngựa. Đây là một dạng khác của Bồ tát Quán Thế Âm, mang tâm đại bi đi cứu độ những ác thú. (Tử tạp chí Giác Ngộ)


Một cá tính, hai quốc tịch

Chính vì đã có quả vị Phật nhưng nguyện vẫn đi đi về về trong cõi ta bà để giáo hóa, cứu khổ, nên có những Bồ tát vừa được gọi là Phật, vừa được gọi là Bồ tát, như Bồ tát Quán Thế Âm cũng là Phật Quán Thế Âm. Ở cõi Niết Bàn, ngài tháp tùng phật A Di Đà, ở trần thế, ngài chuyên cứu khổ cứu nạn và hóa thân thành gì thì chịu, chúng ta không thể biết được; có thể chính là người tốt bụng đang sống trong xóm ta, hoặc vị bác sĩ tận tâm nào đó trong bệnh viện…

Hay như Bồ tát Địa Tạng cũng là Phật Địa Tạng, là vị phật ở bên chúng sinh tại chốn địa ngục, với lời nguyện chưa lên Niết bàn nếu địa ngục chưa trống rỗng. Cá nhân tôi cảm phục vị Bồ tát này nhất, vì đã chọn một nơi “kinh khủng” nhất.

Ngoài ra khi đi chùa, các bạn thấy có hai bộ ba sau:

Phật A Di Đà với Bồ tát Đại Thế Chí (bên trái, áo xanh, Bồ tát Quán Thế Âm (bên phải, áo trắng). Tranh cổ Triều Tiên, cuối triều Goryeo (Cao Ly 918-1392)

Phật Thích Ca Mâu Ni với Bồ tát Phổ Hiền (bên trái, cưỡi voi trắng), và Bồ tát Văn Thù (bên phải, cưỡi sư tử)

Trong đó Đại Thế Chí, Phổ Hiền, Văn Thù đều là những bồ tát đã đắc quả vị Phật, hoàn toàn có thể về nước Phật mà họ cai quản, nhưng do vẫn còn “vướng” lời nguyện của mỗi vị nên vẫn đi đi lại lại hai nơi. Trong ba vị ấy, có vị nguyện phải dùng trí tuệ để giúp chúng sinh hết u minh đã mới lên làm Phật (Văn Thù):

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, với hình tượng cưỡi sư tử xanh

Có vị thì nguyện dùng lòng từ bi làm cho toàn bộ chúng sinh giác ngộ hết đã rồi mới gọi là xong (Phổ Hiền):

Phổ Hiền Bồ tát cưỡi voi trắng. Tranh cổ Trung Quốc khoảng từ 1768 tới 1833, thuộc bảo tàng Brooklyn

Có vị nguyện ở lại cho đến khi chúng sinh có đầy đủ trí tuệ (Đại Thế Chí):

Bồ tát Đại Thế Chí, trích tranh cổ Trung Quốc, thể kỷ 13, thường cầm bông sen xanh, ở đây là đài sen xanh

Có lẽ chính vì ba vị Đại bồ tát này thiên về “giáo dục”, “lý trí” nên người ta ít thờ và cầu xin hơn hẳn so với Bồ tát Quán Thế Âm. Người bình thường, ít ai đến với Phật, với Bồ tát khi đang sung sướng, vui vẻ. Người ta thường đến với Phật khi gặp “khổ”, và lúc ấy chỉ muốn thoát khổ. “Cầu xin Phật và Bồ tát Quán Thế Âm cho con thoát khổ” là một lời cầu xin phổ biến, hiếm ai đứng trước tượng Bồ tát Phổ Hiền, Văn Thù, hay Đại Thế Chí để mà xin: “Hãy cho con có trí tuệ và giác ngộ để nhận ra bản chất nỗi khổ này.”

Bồ tát Quán Thế Âm với nghìn bàn tay cứu độ, trong lòng mỗi bàn tay là một con mắt nhìn thấu nỗi khổ. Ảnh từ trang này