Nghệ thuật tạo tượng Thích Ca Cửu Long Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang

Ngày 06/04/2017 2,394 lượt xem

Khi tham gia cộng sự công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Mỹ thuật truyền thống tỉnh Bắc Giang” năm 2005-2006 của họa sỹ Trương Quang Hải – giáo viên trường Trung cấp Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang được dịp đi điều tra khảo sát những ngôi đình, ngôi chùa trong toàn tỉnh Bắc Giang, mỗi nơi đều có những nét đặc trưng riêng cần tìm hiểu nghiên cứu những giá trị nghệ thuật đặc biệt của nó. Trong đó chùa Vĩnh Nghiêm chốn tổ nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã qua trước khi lên Yên Tử – Quảng Ninh ( Xã Trí Yên – Yên Dũng – Bắc Giang ) ngoài quy mô nghệ thuật kiến trúc đồ sộ, nhiều tầng, nhiều lớp thời gian thì hệ thống tượng và ván khắc kinh Phật (mộc bản) có những giá trị đặc biệt và ảnh hưởng to lớn tới quá trình phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Bài viết mang tính sơ lược này tác giả chỉ đề cập tới giá trị nghệ thuật và ý nghĩa tượng Thích – ca Cửu Long mang nhiều ý giá trị trong ngôi chùa cổ này…

I. Sơ lược về người sáng lập ra Đạo Phật và ý nghĩa nguồn gốc tượng Thích – ca Cửu Long

Đức Thích-ca Mầu-ni là người sáng lập ra đạo Phật. Nhiều tài liệu cho rằng : Ngài sinh vào năm 623 trước Công Nguyên. Ngài là con vua một nước ở miền Bắc Ấn. Lớn lên thấy cuộc đời có nhiều đau khổ nên suy nghĩ nhiều về con đường giải thoát đau khổ ấy. Kết luận cuối cùng Ngài rút ra là phải xuất gia để tìm được cách giải thoát những khổ đau của kiếp người. Một đêm Ngài đã trốn nhà từ bỏ cuộc sống vương giả ra đi tìm con đường tu hành. Sau khi tu hành đắc đạo, Ngài đi thuyết Pháp cứu vớt chúng sinh khỏi vòng luân hồi sinh tử đầy đau khổ. Những người theo Đạo Phật đông tới hàng ngàn hàng vạn người. Ngài cùng các đệ tử đi thuyết Pháp khắp cả vùng châu thổ sông Hằng Hà, khi Ngài mất, người ta hỏa táng hài cốt và chia ra làm tám vạn bốn nghìn phần để thờ trong tám vạn bốn nghìn cái tháp rải khắp Ấn Độ.( Theo Đức Phật và Phật Pháp).

Dựa theo các tích truyện kể về cuộc đời và sự nghiệp của Thích – ca Mầu – ni ở Việt Nam thường tạc bốn pho tượng để tượng trưng cho bốn tư thế của Ngài :

  1. Tượng Thích – ca sơ sinh ( Tượng Thích – ca Cửu Long , Tòa Cửu Long ) diễn tả Ngài khi mới sinh.
  2. Tượng Tuyết Sơn diễn tả Ngài khi đang tu hành khổ hạnh ở núi Tuyết Sơn
  3. Tượng thuyết pháp diễn tả Ngài lúc đang thuyết Pháp
  4. Tượng Nhập Niết Bàn diễn tả ngài đang vaò cõi Niết Bàn.

Như vậy, tượng Thích – ca Cửu Long trong ngôi chùa nào cũng có. Theo Đức Phật và Phật Pháp khi đức Thích – ca vừa giáng sinh có chín con rồng phun nước để tắm cho ngài, tắm xong ngài đi được bẩy bước về phía trước tay trái chỉ lên trời tay phải chỉ xuống dưới đất mà nói : “Thiên thượng địa hạ. duy ngã độc tôn” ( trên trời dưới đất chỉ có một ta là cao quý hơn cả) xong ngài lại nằm xuống như một đứa trẻ.

Là tượng diễn tả đức Phật khi mới sinh nên có hình là một tiểu nhi có chín con rồng uốn lượn trong mây ngũ sắc phun nước chầu vào tắm cho đức Phật do đó tượng còn có tên gọi là tượng Thích – ca sơ sinh Cửu Long hay tòa Cửu Long…Liên quan đến tượng Thích – ca Cửu Long có một phong tục dân gian đặc biệt vào ngày Phật sinh theo truyền thuyết ( ngày mùng 8 tháng 4) hàng năm các chùa thường làm lễ tắm Phật. Nam thanh nữ tú được dân làng chọn ra chùa rước tượng Thích – ca Cửu Long ra dội nước ngũ hương…

Trong ngôi chùa Tượng Thích – ca Cửu Long thường được đặt ở ngoài cùng trong hệ thống tượng ở gian Tam bảo.

II. Nét đẹp và giá trị nghệ thuật tạo hình độc đáo của tượng Thích – ca Cửu Long ở chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang

Trong quá trình điều tra khảo sát và nghiên cứu nhóm tác giả và cộng sự tới các di tích chùa cổ nào cũng đều được nghe các cụ cao niên phụ trách trông coi chùa kể lại rằng : Tượng Thích – ca trong các ngôi chùa cổ được đúc bằng đồng Đen quý lắm nhưng do chiến tranh loạn lạc, do bài trừ mê tín dị đoan một thời và nhất là nạn trộm cắp cổ vật…Tượng Thích – ca lại là pho tượng nhỏ, có khi chỉ là tượng đơn cao khoảng 20-25 cm to bằng bắp tay người lớn nên mất khi nào không ai biết… Tượng hiện tại là tượng mới tạc bằng gỗ ( Sự thật chắc không phải làm bằng chất liệu đồng Đen mà có lẽ chỉ là được đúc bằng đồng tổng hợp có cả vàng, bạc …do người dân phát tâm thiện nguyện như đúc chuông, khánh cổ nhưng do nước thời gian bề mặt của đồng trở nên đen bóng nên ai cũng nghĩ đó là đồng Đen..? )

Những tượng Thích – ca cổ xưa nhất không còn, thay vào đó là tượng bằng gỗ, đá, đất sét… có những tượng nước thời gian cũng vài ba thế kỷ, có tượng chỉ trong thập niên trở lại vẫn còn mới toe.

Giá trị nghệ thuật tạo nên vẻ đẹp độc đáo của tượng Thích- ca Cửu Long chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang so với các tượng Thích – ca Cửu Long trong những ngôi chùa cổ khác chính là những yếu tố :

Về mặt bố cục

Bố cục được tạc theo dạng kép, cảnh và người hòa quện trong không gian vòm động, không gian khép mở từ thấp lên cao, từ thực đến ảo, từ tĩnh đến động trải dọc theo trục đứng. Bắt đầu từ trái, phải tuyến nhân vật, cảnh vật dưới cùng của tượng là các tướng lĩnh nhà trời như Bát bộ Kim cương được tạc theo ngôn ngữ của phù điêu dạng đơn mỏng. tiếp theo là hình tượng đức Thích ca nằm đang nhập vào cõi Niết Bàn dưới gốc cây Nhân quả. Tầng tiếp theo bắt đầu là hình mây, sóng nước, hình rồng đang uốn lượn nhưng ở dạng tạo hình đơn giản. Càng lên cao độ tinh xảo tăng dần, kết hợp những nhóm cảnh hiện thân của đức Thích – ca trong đời sống hiện sinh tu hành khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn cùng các tu sỹ khác, cảnh ngài thuyết Pháp khắp vùng Bắc Ấn, bên sông thiêng Hằng Hà…Tùy chỗ tùy nơi các cảnh vật và nội dung được sắp xếp theo ý đồ khép mở của không gian tăng dần cao dần rậm rạp nhiều chi tiết, họa tiết nội dung “đắt” nhất là cách tạo hình những con rồng từ dáng dấp uốn lượn đơn giản ở dưới nhưng tăng dần, cuồn cuộn mạnh hơn uyển chuyển hơn nhưng vẫn “ém” chờ ở phía dưới ép đẩy khối hình cảnh vật bên trái, bên phải phía sau và cuối cùng các khối hình này gặp nhau hợp thành một khối và bung nở tạo nên tầng cao nhất của bố cục mang đầy tính hư ảo tầng trời. Các nhân vật dày đặc thể hiện cảnh các chư Phật, chư Thiên, các Tiên nữ đang hoan hỷ chắp tay trước ngực đón chào đức Phật giáng sinh nơi trần thế.Các nhân vật được xếp theo nhiều tầng, nhiều lớp chính phụ dày đặc bố cục theo nhịp điệu hình sin sóng nước mền mại lan tỏa vô cùng theo tinh thần triết lý Phật giáo. Ẩn hiện trong tầng trên cùng của tượng là hình một con rồng to được tạc hình công phu kỹ lưỡng nhô hẳn đầu và hai chân ra phía trước như bao bọc như kết nối càng làm tăng thêm điểm nhấn của tượng.

Trọng tâm của tượng Thích – ca Cửu Long chính là hình tượng Thích – ca sơ sinh được thể hiện ở dạng tượng tròn bố cục theo trục đứng. Phía trên đức Thích – ca đứng trên một bông sen lớn, phía dưới là bố cục nhóm ba theo thế chân kiềng. Đó là một thế vô cùng vững chắc được tạo bởi một hồ sen cách điệu theo trục đứng, hai bên đăng đối được hai nhân vật như Thiên tướng nhà trời nâng đỡ bông sen chính đức Phật đứng.

Về mặt tạo hình Đây là sự khác biệt lớn nhất tạo nên sự khác biệt và giá trị độc đáo của tượng Thích – ca Cửu Long chùa Vĩnh Nghiêm chính là tay nghề và quan niệm của người nghệ nhân khi sáng tạo dựa trên tích truyện đức Thích – ca chào đời như thế nào. Thông thường trong nhiều chùa hình tượng đức Thích – ca chào đời được tạc thành hình một đứa trẻ để mình trần, đóng khố với tay trái chỉ lên trời tay phải chỉ xuống đất dáng đứng lòng khòng trên đài sen, nhiều nơi còn tạc nguyên hình là một đứa trẻ trần tục không mặc gì trong tư thế run rẩy bước đi ( Chùa Hưng Long – Hà Tây ) có nơi lại tạc một đứa trẻ mình trần mặc váy…Những cách tạo hình này mang đậm tính trần tục theo quan niệm dân gian của cuộc sống đời thường thông tục hóa, tay nghề của người thợ thì vụng về, yếu về tạo hình, bố cục đơn giản, có nơi còn rất sơ sài mỗi hình tượng đứa trẻ đứng trên bệ sen sơ sài .

Hình tượng đức Thích – ca sơ sinh trong tượng Thích – ca Cửu Long chùa Vĩnh Nghiêm thì được tạc khác hẳn.

Đó là hình tượng đức Thích – ca chào đời mang dáng hình của một Thiền sư nhỏ tuổi tôn quý đứng tay trái nắm hờ chỉ lên trời lòng bàn tay hướng ra phía trước, tay phải chỉ xuống đang thuyết pháp những triết lý sâu xa, huyền diệu của nhà Phật.Toàn thân đức Thích – ca mang một tấm áo choàng được tạo hình chắt lọc rất kỹ bởi những nếp áo ẩn hiện cách điệu mang tính trang trí cao càng tăng thêm sự tôn quý. Tính tạo hình trang trí của những nếp vải áo này chúng ta cũng hay gặp ở các đồ án trang trí mỹ thuật cổ trong các công trình kiến trúc đình chùa thế kỷ XVII.

Cái đẹp và đặc sắc chính là tay nghề và quan niệm tạo hình. Nếu không phải là người thợ có tay nghề vững chắc, hiểu sâu sắc và hướng tâm về giáo lý đạo Phật thì chắc chắn người thợ không thể sáng tạo ra một tác phẩm độc đáo này. Bố cục tượng tuy nhỏ (cao khoảng 140cm) nhưng đồ sộ ở mặt tạo hình kết hợp với kỹ thuật chạm khắc và nước sơn càng làm tăng thêm giá trị.

Như trên đã phân tích về tay nghề và bố cục của người nghệ nhân tạo tác khéo léo trên chất liệu gỗ mít đã cân nhắc hài hòa kỹ lưỡng giữa các thể loại nghệ thuật tạo hình của điêu khắc như phù điêu thì chỗ chạm nông chỗ sâu, chỗ chạm lộng chỗ chạm kênh bong có chỗ lại ở thể tượng tròn kết hợp với ngôn ngữ của hội họa điều phối mầu sắc hài hòa hợp lý nên không bị “vênh” “lỏi”. Tượng trải qua khoảng hơn 300 năm ( theo nghiên cứu và dự đoán trên cơ sở các họa tiết tạo hình và đối chiếu). Nước thời gian đã bao phủ lên, nước sơn tuy đã ngả mầu nhưng vẫn lung linh huyền ảo tỏa sáng. Nét vàng, son, bạc phủ sơn cánh gián vẫn không phai mờ là mấy. Điểm đặc biệt giá trị nữa đó là trải qua hàng trăm năm tượng vẫn giữ nguyên bản không bị sơn sửa cho mới quả thật quý vô cùng.

Hơn 700 năm kể từ ngày khởi tạo đến nay, sóng thời gian tăm bạc khi chìm khi nổi như câu ca : Bia đá Lê xây còn đứng đó

Cột lim Trần dựng vẫn còn kia…

Nhưng qua điều tra khảo sát nghiên cứu thực địa và các tài liệu liên quan có thể khẳng định nghệ thuật kiến trúc xưa nhất còn lại ở chùa Vĩnh Nghiêm không vượt quá thế kỷ 17, và chắc chắn một điều tổng quan kiến trúc cũng không hoàn toàn là của thời Nguyễn.

Do Vĩnh Nghiêm tự là một trung tâm Phật giáo, là nơi đặc biệt gặp gỡ của ba nhân vật đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền rất thịnh hành ở Việt Nam ( Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang). Đây cũng là trung tâm đào luyện các tăng ni và ban hành các pháp chế của đạo Phật trong toàn quốc dưới thời Trần. Vĩnh Nghiêm tự cũng là nơi tàng trữ nhiều bộ ván in kinh Phật quý giá như: Giới kinh ni, Sa di kinh, Đại thừa chỉ quán, Hoa nghiêm sớ, di đà sớ sao…nên dù triều đại có đổi thay,đạo Phật có khi thịnh khi suy thì chùa Vĩnh Nghiêm vẫn không ngừng được nhân nhân gìn giữ sửa chữa và thêm mới.

Với hệ thống kiến trúc đồ sộ và nhiều lớp thời gian như vậy nên hệ thống tượng Phật trong chùa cũng trải dài theo trục dọc thời gian luôn được bổ sung thêm mới. Cùng với nhiều pho tượng khác trong chùa được các nghệ nhân tạo tác khá công phu, cẩn thận rất đẹp và có giá trị ( tượng Hộ Pháp,Thích-ca Cửu Long, động chúa mẫu, chân dung các vị tổ…) nhưng cũng có tượng được tạc khá sơ sài ( các tượng La Hán, thần độc cước…)Nhìn vào hệ thống tượng cổ trong chùa như thấy được sự thịnh suy của mỗi thời đại.Vấn đề nghiên cứu đánh giá những giá trị thực của các pho tượng cổ trong các ngôi chùa là hết sức cần thiết để giữ gìn cho các thế hệ mai sau…

Vũ Công Trí