Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam: Tranh khắc gỗ “Adi đà Phật”

Ngày 05/04/2017 1,256 lượt xem

Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015, định kỳ 5 năm một lần, đã diễn ra thành công và để lại nhiều dấu ấn mới so với các kỳ triển lãm trước. Một trong các điểm mới mà triển lãm năm 2015 gây ấn tượng là việc lần đầu tiên trong lịch sử triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Huy chương vàng được trao cho tác phẩm tranh khắc gỗ. Tác phẩm khắc gỗ đen trắng được trao giải thưởng cao nhất này có nội dung và tên gọi giản dị, đời thường nhưng rất sâu lắng “Adi đà Phật”. Tác phẩm này là bộ tranh theo dạng tam bình (triptych). Tác phẩm mỹ thuật dạng triptych thường là tranh hay phù điêu được sử dụng trong nghệ thuật Thiên Chúa giáo ở Tây Âu từ thời Trung cổ. Triptych có thể hiểu là Tác phẩm bộ ba, gồm 3 bức có bố cục liên kết chặt chẽ và hệ thống và cùng nội dung. Theo truyền thống, tác phẩm bộ ba thường có bức ở giữa lớn hơn 2 bức 2 bên và chứa đựng hình tượng nghệ thuật chính, mang tính chất là trung tâm của chủ đề nội dung, các bức kia có chức năng mở rộng không gian câu chuyện.

Nguyễn Khắc Hân, A di đà phật, khắc gỗ. (HCV Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015)
Nguyễn Khắc Hân, A di đà phật, khắc gỗ. (HCV Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015)

Tuy nhiên, qua quá trình phát triển của nghệ thuật tạo hình, tính chất truyền thống đó của tác phẩm bộ ba đã thay đổi, bức trung tâm không nhất thiết phải to nhất, nhưng nó vẫn là nơi chứa đựng ý tưởng cốt lõi, vấn đề chính của nội dung nghệ thuật. Nội dung và thông điệp của tác phẩm “Adi đà Phật” có liên hệ chặt chẽ với tâm thức thời đại, khi mà mọi niềm tin xã hội bị lung lay và con người dường như chỉ còn chỗ dựa tinh thần không thể khác là tôn giáo. Ẩn sâu bên trong tác phẩm là những thông điệp xã hội mạnh mẽ, song toàn bộ tác phẩm toát lên vẻ dung dị, nó không lên gân, không bàn trực diện, gay gắt về các vấn đề thời sự mà nhiều tác phẩm đương đại thường khai thác. Hình tượng và thông điệp nội dung gần gũi, dễ hiểu của tác phẩm đem lại cảm xúc, tư duy trực tiếp cho người xem thông qua ngôn ngữ đồ hoạ đen trắng hàm súc, tự nhiên và chân thành từ chính cuộc sống, suy nghĩ của tác giả Nguyễn Khắc Hân. Họa sỹ từng chia sẻ về quan điểm nghệ thuật, cảm hứng sáng tác của mình rằng, làm nghệ thuật là phải bằng tình yêu, sự rung động và đặc biệt phải là bản ngã của chính mình, cảm hứng và ý tưởng phải xuất phát từ chính cuộc sống của mình, từ những đề tài gần gũi như gia đình, trong đó những đứa trẻ là tương lai và chúng cần phải được bảo vệ cũng như giáo dục một cách đúng nghĩa.

Nguyễn Khắc Hân là một tác giả trẻ. Anh tốt nghiệp ngành đồ hoạ tạo hình tại Khoa Đồ hoạ, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2011. Tuy nhiên, những dấu hiệu của con đường sáng tác đồ họa (tranh in) thực sự của anh đã rõ ràng từ khi đang học năm thứ 4 với những sáng tác vượt ra ngoài khuôn khổ bài học, đạt tới mức độ chuyên nghiệp về cả nội dung tư tưởng và hình thức thẩm mỹ. Từ khi tốt nghiệp đến nay Hân chỉ sáng tác tranh khắc gỗ đen trắng và theo đuổi không ngừng các chủ đề mang tính phản biện xã hội, trong đó chủ yếu là vấn đề liên quan đến những bất cập trong môi trường xã hội đương đại ảnh hưởng tới đời sống và môi trường giáo dục trẻ em. Xâu chuỗi các tác phẩm khắc gỗ đen trắng của Hân thời gian qua có thể thấy nổi lên câu chuyện xuyên suốt về cuộc đấu tranh không ngừng giữa cái ác và cái thiện, giữa bạo lực và giáo dục hướng thiện. Trong đó thường là các nội dung và hình thức mang hơi hướng phê phán xã hội. Đến tác phẩm “Adi đà Phật”, nội dung xã hội vẫn được đề cập như mạch ý tưởng ngầm chảy liên tục của tác giả. Song, ở đây câu chuyện đã trở nên ý nhị và ẩn chứa nhiều tính gợi mở hơn, có phần nhẹ nhàng hơn, sâu sắc hơn. Cũng chính nhờ tính gợi mở ấy mà tác phẩm đã chạm tới người xem theo các cách riêng, tuỳ thuộc vào mức độ trải nghiệm hay đời sống cá nhân, câu chuyện cá nhân. Điều đó cho thấy họa sỹ tranh in Nguyễn Khắc Hân đã trưởng thành đến độ chín nghề nghiệp. Về mặt hình thức, tác phẩm “Adi đà Phật” thuộc dạng tranh bộ ba vốn phổ biến trong sáng tác tranh in trên thế giới, nhất là ở châu Âu và Nhật Bản. Hình tượng của ba bức tranh trong tác phẩm có tính xuyên suốt và khá chắt lọc, tập trung chủ yếu ở ba đối tượng: hình đức Phật, lá bồ đề và một nam thiếu nhi không rõ mặt mũi nhưng khá rõ tính cách thông qua ngoại hình chung. Hình ảnh của đức Phật được hiện diện ở các dạng khác nhau, từ hình bóng mang tính chất làm nền cho các hình khác đến hình khối được diễn tả căng đầy. Trong sự phong phú về tạo hình ấy, người xem đều dễ dàng nhận ra bóng dáng của các di sản điêu khắc Phật giáo cổ xưa trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Khắc Hân, Ngày mai, khắc gỗ. (Giải Ba Festival Mỹ thuật trẻ 2011)
Nguyễn Khắc Hân, Ngày mai, khắc gỗ. (Giải Ba Festival Mỹ thuật trẻ 2011)

Trong cả 3 bức đều hiện rõ hình ảnh gợi tới những bức tượng Phật, tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở những ngôi chùa cổ vùng Bắc Bộ. Đặc biệt, ở bức bên phải tác giả đã khai thác hình thể của không chỉ tượng Phật theo phong cách Bắc Bộ mà còn cả bức tượng Phật bằng gỗ có niên đại khoảng thế kỷ 4 – 5 thuộc nền văn hoá Óc Eo nằm trên dải đất phía nam của Tổ quốc, qua đó, vô hình chung, bố cục này đã khái quát cô đọng nhất về nền Phật giáo Việt Nam. Trong cả ba bức, hình ảnh cậu bé được diễn tả sáng tối tương phản mạnh chính là con trai của hoạ sỹ, một hình ảnh đã xuất hiện trong rất nhiều tranh khắc gỗ của Hân như một đại diện cho thế hệ trẻ em ngày nay. Cậu bé là hình tượng chứa nhiều ẩn ý trong hầu hết những câu chuyện mà tác giả muốn chia sẻ thông qua ngôn ngữ đồ hoạ đen trắng chắt lọc. Ở bức bên trái, cậu bé đứng buông tay trên nền các hình bóng của chính mình và một khoảng sáng dẫn lối bởi những lá bồ đề vào không gian mở ra giữa thân hình tượng Phật được tạo hình khái lược theo mảng đen ẩn chứa nhiều liên tưởng. Con người nhỏ bé như đang suy ngẫm trước một lựa chọn quan trọng được tạo nên bởi những mảng sáng tối tương phản quyết liệt thể hiện cho cuộc đấu tranh nội tại đang diễn ra. Bức trung tâm có kích thước chiều ngang lớn hơn cả và có bố cục mở thông qua những cánh tay xòe ra theo hình tròn vượt khỏi đường biên khuôn khổ chiều cao của nó. Thủ pháp bố cục này không chỉ tạo sự nhấn cho bức trung tâm mà còn giúp nội dung, thông điệp của nó được toát lên rõ ràng. Ở đó lòng tin, lòng khoan dung, vị tha của đạo Phật luôn mở ra cho tất cả mọi người; nơi đó những tâm hồn lầm lỗi được hoán cải, hoàn lương.

Nguyễn Khắc Hân, Nhà hộp, khắc gỗ in trên vải, 2009
Nguyễn Khắc Hân, Nhà hộp, khắc gỗ in trên vải, 2009

Hình tượng đứa trẻ tay cầm con búp bê bị bẻ gẫy các bộ phận và khẩu súng đồ chơi trong túi quần đứng trước vòng tròn cách tay của đức Phật Quan Âm cho thấy rất rõ ý tưởng này. Trong bức bên phải, hình ảnh con người chỉ còn lại ở dấu hiệu bộ trang phục trống rỗng trên nền phía sau là các lớp hình tượng Phật. Đến đây, người xem không khó nhận ra những ý tưởng căn bản nhất của giáo lý đạo Phật, hướng con người thoát khỏi sự ràng buộc vật chất, giác ngộ chúng sinh, mang lại điều thiện.Bằng thủ pháp liên kết các hình tượng, với cách xây dựng không gian tác phẩm mở đa chiều, qua “dao pháp” khắc gỗ điêu luyện, các bố cục và hình ảnh được giải quyết tinh tế, phong phú về tạo hình, tác phẩm “A di đà Phật” mang một chiều sâu thẩm mỹ thị giác và nội dung nhân văn sâu sắc đúng như tác giả của nó chia sẻ: “Với một xã hội mà mọi thứ đang bị đảo lộn như hiện nay, tôi làm tác phẩm này với hy vọng mọi người nên nhìn lại chính mình, về những gì mình đã làm, như tội ác, lòng ích kỷ hay sự tham lam trong mỗi chúng ta. Những điều đó đã dẫn dắt tôi sáng tác về chủ đề này, ở đó tôi hi vọng đạo Phật sẽ hướng con người ta đến với điều thiện, lòng khoan dung, cao hơn nữa là tính chân-thiện-mỹ, một tinh thần dung dị và rất nhân văn. Người làm nghệ thuật giống như người truyền đạo, luôn mong muốn mang cái hay, cái đẹp nhất hướng tới con người và đó cũng là ý tưởng bao trùm các sáng tác của tôi”.

N.N.P

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 1+2/2016)