Hiểu thêm về tượng Phật thời Lý – Trần từ phát hiện hầm mộ tượng ở Qingzhou, Sơn Đông, Trung Quốc

Ngày 05/04/2017 2,235 lượt xem

Ba lần xâm lược của quân Nguyên Mông (TK XIII và đặc biệt sau lần thảm sát văn hóa của quân xâm lược nhà Minh (TK XV) đã gần như tận diệt nghệ thuật Phật giáo Đại Việt. Nhưng chỉ qua một số tàn tích văn bia thời Lý, Trần chúng ta cũng phần nào hình dung sự tình mỹ và đồ sộ của nghệ thuật điêu khắc Đại Việt thời hoàng kim. Nhưng văn bia cũng chỉ là những lời văn tán thán và hoa mỹ khó lòng phục dựng lại được bản lai diện mục.

Tượng chùa Phật Tích - trích đoạn
Tượng chùa Phật Tích – trích đoạn

Việc tìm thấy hầm tượng ở chùa Longxing ở Qingzhou tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc năm 1996 có một ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với cả Việt Nam. Trong nhận thức thông thường, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc đi từ Tây sang Đông. Đại sư Huyền Trang viết cuốn “Đại Đường Tây Vực” ký kể lại hành trình vĩ đại của mình sang Ấn Độ để tìm hiểu Phật giáo. Con đường tơ lụa và cũng là con đường kinh tạng từ Tràng An, các hoàng đế Trung Hoa đã cử các sứ giả, tăng nhân đi về phía Tây, ngang qua sa mạc Gobi dưới chân núi Altay, rồi lại dọc theo sa mạc Taklama-kan (Tân Cương), vượt qua cao nguyên Pamir (Afghanistan) để đi vào Ấn Độ. Nhưng ngoại trừ những con đường tơ lụa trên bộ, còn có những con đường tơ lụa trên biển (Maritime Silk Road). Phật giáo đã lan tỏa theo cùng con sóng thấm vào các quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên. Một trong những trung tâm Phật giáo cổ đại vùng Viễn Đông là Luy Lâu, Giao Chỉ (Bắc Ninh ngày nay). Những phát hiện khảo cổ ở chùa Longxing (Qingzhou) tiếp tục củng cố thêm chứng cứ về sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Phật giáo Luy Lâu.

Chân dung tượng Bồ Tát
Chân dung tượng Bồ Tát
Chân dung tượng Bồ Tát
Chân dung tượng Bồ Tát

Qingzhou (Thanh Châu) là thành phố duyên hải của tỉnh Sơn Đông Trung Quốc. Nếu Phật giáo chỉ truyền từ Tây sang Đông thì nghệ thuật Phật giáo ở Qingzhou hẳn phải mang sắc thái Trung Hoa đậm nét. Nhưng thật đáng kinh ngạc, trong một cái hầm chôn tượng có diện tích chừng 50 m2 các nhà khảo cổ phát hiện tới gần 400 pho tượng. Các pho tượng ở đây mang đậm chất Phật giáo Bắc Ấn và Trung Á. Có hai đặc điểm quan trọng mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều thừa nhận là kiểu thức áo ướt (nguyên văn là Tào y thủy vân) và đặc điểm nhân chủng hoàn toàn khác xa với những pho tượng cùng thời tìm thấy ở Trung Nguyên. Thậm chí về mức độ tinh tế nó sách ngang với những pho tượng đẹp nhất ở Đôn Hoàng. Về kiểu thức áo ướt cho y phục đây là truyền thống Hy Lạp Phật giáo (Gandhara).

Trương Ngạn Viễn trong “Lịch đại danh họa ký” từng khen rằng họa sĩ nước Tào là Cao Zhongda (Tào Trung Đạt) họa gia thời Bắc Tề giỏi vẽ kiểu quần áo có nếp ướt. Nước Tào ở khu vực nay là Uzbekistan, trong vùng ảnh hưởng của Phật giáo Trung Á. Sơn Đông là tỉnh cực Đông của Trung Quốc, khó có thể có liên hệ những ảnh hưởng trực tiếp của Phật giáo Trung Á, Tây vực đến khu vực này và nếu có – cũng vô cùng mờ nhạt. Một đặc điểm nhân tướng của các pho tượng này là thường có sống mũi cao, dài, thanh tú, kết hợp với một nhân trung sâu và rất ngắn. Theo tướng thuật của Trung Hoa, nhân trung phải đầy đủ, sâu nhưng phải dài. Các tượng Phật kể từ đời Tống đều theo nguyên tắc này. Sau khi xem xét và đối chiếu một cách hệ thống, các nhà sử học, nghiên cứu nghệ thuật đã đi tới một giả thuyết mang tính phỏng đoán rằng các pho tượng Phật ở Qingzhou chịu ảnh hưởng từ phương Nam, cụ thể là từ Việt Nam. Đây là một nhận định được số đông các học giả Trung Hoa tán đồng.

Quả thật khi đối chiếu những pho tượng đẹp nhất tìm thấy ở chùa Longxing với tượng chùa Phật Tích ta thấy nhiều điểm tương đồng. Việc so sánh đã củng cố thêm luận điểm về nghệ thuật Phật giáo Lý, Trần thuộc về Phật giáo Đại thừa đã phổ biến từ Bắc Ấn, Trung Á thời Tùy – Đường. Phật giáo Đại Việt thời Lý – Trần không giống với Phật giáo nhà Tống. Cho dù chính sử có nói tới việc nhà Tiền Lê, nhà Lý cử người sang Trung Quốc lấy kinh, thì nghệ thuật đồ tượng Phật giáo được vun trồng từ nhiều thế kỷ trước đã thực sự bén rễ, tươi tốt trên mảnh đất Đại Việt và có những sắc thái riêng.

Kiểu thức tượng áo ướt ở Qingzhou
Kiểu thức tượng áo ướt ở Qingzhou

Ngoài pho tượng ở chùa Phật Tích và các bệ tượng còn sót lại thời Lý – Trần cùng một số văn bia còn sót lại như bia Minh Tịnh Tự Bi Văn, Sùng Nghiêm Diên Thánh, Sùng Thiện Diên Linh, ta thấy vị trí tối cao của pho tượng Di Lặc và Đa Bảo Như Lai. Đó là điều rất khác Phật điện đời Tống. Đã 20 năm kể từ khi khai quật được hầm tượng ở Longxing, người viết từng có vinh hạnh được chiêm ngưỡng những tuyệt tác này năm 2001 trước khi các bức tượng chu du tới Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Hong Kong, Taiwan. Phát hiện khảo cổ học này được coi là một trong 10 sự kiện khảo cổ học quan trọng năm 1996 và là phát hiện khảo cổ học quan trọng nhất về Phật giáo trong thế kỷ XX. Sau 20 năm kể từ sự kiện khảo cổ học này, giới học giả Trung Hoa vẫn không thay đổi quan điểm về nguồn ảnh hưởng phương Nam của các kiệt tác tìm thấy ở chùa Longxing.

Poster triển lãm "Tinh tuyển các tuyệt tác điêu khắc Phật giáo Qingzhou"
Poster triển lãm “Tinh tuyển các tuyệt tác điêu khắc Phật giáo Qingzhou”

Như tên gọi bài viết, từ nhưng pho tượng ở chùa Longxing, chúng tôi muốn hình dung lại dung mạo, danh xưng và hệ thống Phật điện thời Lý-Trần. Trong bài viết tiếp theo, người viết mạo muội xin được trao đổi về tên gọi của pho tượng đá thời Lý ở chùa Phật Tích. Tên gọi A Di Đà do L.Bezacier cho pho tượng này đã bị nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam nghi ngờ. Tiếp theo sự hoài nghi được khởi đầu từ Trần Trọng Kim, Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ, Nguyễn Anh Tuấn.., tác giả trong bài viết tiếp theo (Tượng Phật Di Lặc ở viện Từ Thị thời Lý) xin được đưa ra giả thuyết mới về danh xưng của pho tượng tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý trên núi Tiên Du này.
Trần Hậu Yên Thế